MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Yêu cầu về đổi mới trong hoạt động chăm sóc sức khỏe lao động nữ

Hoàng Lâm LDO | 13/04/2024 05:00

Một con số vừa được trung tâm Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phòng chống HIV/AIDS sau khi khảo sát 100 nữ công nhân: 91% công nhân (CN) thỉnh thoảng hoặc không sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, 35% nữ công nhân không kiểm tra sức khỏe thường xuyên mà chỉ khám bệnh khi phát hiện bệnh, 31% nữ CN quan hệ tình dục lần đầu khi mới 13-15 tuổi...

Đây là con số đáng suy nghĩ dù phạm vi khảo sát còn hẹp. Điều này cho thấy có một thực tế là việc chăm sóc sức khỏe sinh sản đối với nữ lao động còn là những khoảng trống mà nguyên nhân chủ yếu là sự chủ quan, e ngại từ chính người lao động. Đồng thời cũng có một phần trách nhiệm từ phía doanh nghiệp, người sử dụng lao động và các đoàn thể.

Cách đây không lâu, trên Lao Động có bài viết về một công ty may lớn tại Việt Nam cho biết, công ty có 90% NLĐ là nữ, với khoảng 2.800 người. Trong một chương trình khám sức khỏe sinh sản có gần 2.500 nữ CN đến khám, các bác sĩ đã phát hiện hàng chục nữ CN mắc u xơ tuyến vú. Một số CN đang mang thai hoặc cho con bú được phát hiện bị áp xe vú. Điều đáng lo ngại là đa số nữ CN không muốn khám phụ khoa để chuẩn bị cho sinh nở an toàn.

Một cuộc khảo sát khác của Marie Stopes Việt Nam cho hay, 20% số ca mang thai của các nữ CN ở nhiều nhà máy là ngoài ý muốn và có khoảng 40% lao động nữ nghỉ việc sau khi sinh. Thực tế này phản ánh việc không quan tâm tới sức khỏe sinh sản sẽ khiến NLĐ nữ thiệt thòi, ảnh hưởng tới kinh tế gia đình cũng như gây ra những vấn đề trong lao động sản xuất.

Trong hệ thống tổ chức Công đoàn, ban nữ công công đoàn có nhiệm vụ tham mưu giúp ban chấp hành công đoàn cùng cấp: Tham gia xây dựng và thực hiện các chế độ, chính sách, pháp luật liên quan đến lao động nữ; về giới, bình đẳng giới, vì sự phát triển của phụ nữ; công tác cán bộ nữ, dân số, sức khỏe sinh sản; công tác gia đình, trẻ em; tổ chức các phong trào trong nữ đoàn viên công đoàn; đại diện tham gia giải quyết các vấn đề có liên quan trực tiếp đến lao động nữ và trẻ em...

Trên thực tế, công tác nữ công đã phát huy hiệu quả ở nhiều lĩnh vực, trong đó đã có cố gắng đầu tư hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản cho lao động nữ theo lĩnh vực của mình nhưng vẫn còn gặp không ít khó khăn. Trong đó có nguyên nhân là do lực lượng mỏng. Ban nữ công thông thường chỉ có 1-2 người, trừ những đơn vị lớn lên tới 3-4 người, không thể quán xuyến, hướng dẫn, sâu sát được đối với công đoàn cấp dưới. Mặt khác, tính chủ động, sáng tạo còn chưa cao.

Bởi vậy, khi triển khai và thực hiện Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam thì việc đổi mới, nâng cao hiệu quả của hoạt động nữ công trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nữ CN, lao động cần là một trọng tâm. Có như vậy, NLĐ, nhất là lao động nữ mới không “tự bơi” và thiếu chăm sóc sức khỏe bản thân, dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc mà bản thân lao động, gia đình và xã hội phải gánh chịu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn