MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân đăng ký khám chữa bệnh. Ảnh: T.Linh

3 lý do Bộ Y tế điều chỉnh giảm giá dịch vụ y tế

T.Linh LDO | 29/06/2018 15:00
Ngày 29.6, tại cuộc gặp mặt báo chí, thông tin về việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, đại diện Bộ Y tế cho biết, việc điều chỉnh giá viện phí lần này nhằm tháo bỏ những hạn chế của thông tư 37 và thống nhất giá khám chữa bệnh BHYT.

Theo Vụ kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế về việc ban hành Thông tư số 15/2018/TT-BYT ngày 30.5.2018 quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp(thay thế Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29.10.2015).

Sau hơn 2 năm thực hiện, thông tư 37 là một bước tiến quan trọng trong lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT, khuyến khích các cơ sở tuyến dưới phát triển kỹ thuật; góp phần làm tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT, tăng số đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên (đến nay đã có 159 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên); giảm số lượng người làm việc tại các bệnh viện hưởng lương từ NSNN (riêng các bệnh viện thuộc Bộ Y tế giảm được trên 20.000 người; số tiền khoảng 1.900 tỷ đồng/năm); số chi BHXH tăng lên nhưng ở chiều ngược lại đã giảm được ngân sách cấp trực tiếp cho các bệnh viện.

Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính cho biết: Mặc dù giá dịch vụ y tế quy định tại Thông tư 37 vẫn chưa tính đúng, tính đủ chi phí trực tiếp để thực hiện dịch vụ, chưa tính chi phí quản lý, khấu hao nhưng vẫn phải điều chỉnh vì các lý do sau:

Thứ nhất: Khi xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Bộ Y tế đã tính toán và báo cáo mức đóng BHYT là 3% phù hợp với mức viện phí quy định tại Thông tư 14 năm 1995 và Thông tư 03 năm 2006. Mức đóng 4,5% lương phù hợp với mức giá dịch vụ tính đủ chi phí trực tiếp. Khi mức giá tính thêm tiền lương, chi phí quản lý, khấu hao theo lộ trình thì phải điều chỉnh mức đóng BHYT tăng lên và Luật đã quy định tối đa 6% lương. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Chính phủ, từ nay đến năm 2020 chưa điều chỉnh mức đóng BHYT, do đó phải điều chỉnh mức giá để bảo đảm cân đối Quỹ BHYT cho đến năm 2020.

Thứ hai: Để hạn chế, kiểm soát việc chỉ định các dịch vụ. Thực tế cho thấy, đối với những dịch vụ có số lượng sử dụng nhiều thì cần phải giảm giá để hạn chế việc chỉ định trong các trường hợp không cần thiết.

Thứ ba: Thông tư ban hành năm 2015, sau hai năm thực hiện có một số yếu tố tác động làm tăng nhưng cũng có một số yếu tố làm giảm chi phí để thực hiện các dịch vụ, cụ thể tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng, các bệnh viện, nhất là tuyến tỉnh, tuyến huyện được đầu tư nâng cấp, được đào tạo và chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên nên chất lượng dịch vụ tăng, chính sách thông tuyến khám, chữa bệnh tại các huyện trên địa bàn tỉnh được thực hiện từ 01.01.2016 nên tần suất khám, chữa bệnh/thẻ BHYT tăng, dẫn đến số lượt khám bệnh/01 bàn khám, số lượt siêu âm, chụp Xquang, CT-Scanner, nội soi tai mũi họng, công suất sử dụng giường bệnh tuyến huyện, tuyến tỉnh tăng làm giảm được chi phí tính cho 01 dịch vụ.

Giá một số thuốc, vật tư, hóa chất giảm do công tác đấu thầu, đặc biệt là đấu thầu tập trung tại Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và nhiều địa phương, góp phần làm giảm chi phí về thuốc, vật tư, hóa chất để thực hiện dịch vụ. Tuy nhiên, cũng có giá đầu vào tăng như giá điện, giá nước tăng, chi phí xử lý nước thải y tế trước đây mới tính một phần nay tính đầy đủ...;

Trong đợt điều chỉnh này, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam đã khảo sát, tính toán chi phí thực tế và thống nhất nguyên tắc điều chỉnh giá của một số dịch vụ, tập trung vào các dịch vụ có số lượng sử dụng lớn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn