MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

4 suy nghĩ sai lầm về dinh dưỡng nhiều người mắc phải

HƯƠNG SƠN (THEO HEALTHSHOTS) LDO | 04/03/2023 19:00
Tất cả các chất béo đều xấu, ám ảnh về tiêu thị calo trong mỗi bữa ăn… là những suy nghĩ sai lầm của nhiều người trong cách ăn uống, dinh dưỡng cho cơ thể. 

Tất cả chất béo đều xấu

Nhiều người cho rằng chế độ ăn ít chất béo mang lại lợi ích cho mọi người, ngăn ngừa bệnh tim và béo phì. Họ thay thế chất béo bằng calo từ carbohydrate tinh chế, ví dụ bột mì trắng và đường, khiến khả năng mắc bệnh béo phì tăng lên.

Tuy nhiên, không phải tất cả chất béo đều xấu. Một số chất béo lành mạnh cũng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, ví dụ chất béo có trong olive hoặc các loại dầu thực vật, bơ và một số loại hạt, chất béo không bão hòa trong hạt hướng dương và các dầu thực vật khác, óc chó, cá...

Do đó, bạn không nên cho rằng các sản phẩm dán nhãn "không chứa chất béo" tốt cho sức khỏe. Thay vào đó, hãy ưu tiên các sản phẩm có thành phần đơn giản và không thêm đường.

  Không phải chất béo nào cũng xấu. Ảnh: THEO HEALTHSHOTS

Ám ảnh về mức tiêu thụ

Calo

Thực tế, việc nạp nhiều calo hơn mức cơ thể tiêu thụ sẽ gây tăng cân, hoặc đốt nhiều calo hơn mức tiêu thụ thì bạn sẽ giảm cân. Tuy nhiên, ăn nhiều hơn chưa chắc sẽ giúp bạn tăng cân sau đó gây thừa cân hoặc béo phì; việc tăng cân phụ thuộc vào loại thực phẩm bạn ăn. Các thực phẩm chế biến sẵn như đồ ăn nhẹ giàu tinh bột, ngũ cốc, bánh quy giòn, thanh năng lượng, đồ nướng, nước ngọt, đồ ngọt... gây tăng cân nhanh chóng và có hại cho cơ thể. Lý do là các thực phẩm này giúp đường hấp thụ vào máu nhanh hơn, gan sẽ chuyển hóa thành chất béo. Do đó, thay vì đếm calo, bạn nên ăn uống lành mạnh hơn, đầu tư vào các bữa ăn chất lượng.

Người bệnh tiểu đường type 2 không nên ăn trái cây

Lý do gây hiểu lầm là mọi người thường gộp nước ép trái cây và trái cây nguyên hạt vào làm một. Trong khi đó, chỉ nước ép trái cây có thể làm tăng đường trong máu do hàm lượng đường cao và ít chất xơ.

Song, một số nghiên cứu cho thấy những người ăn một khẩu phần trái cây nguyên quả trong ngày, có nguy cơ mắc tiểu đường type 2 thấp hơn, ví dụ ăn việt quất, nho và táo. Một nghiên cứu khác cho thấy ăn trái cây nguyên quả có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu khi mắc bệnh.

Không cho trẻ em ăn hạt

Nhiều người khuyến cáo cha mẹ không cho con cái ăn các thực phẩm gây dị ứng trong những năm đầu đời, ví dụ đậu phộng hoặc trứng. Thực tế, trẻ em cần tiếp xúc sớm với các sản phẩm này, khi 4-6 tháng tuổi, nếu bé không bị chàm nặng hoặc dị ứng thức ăn. Bạn có thể bắt đầu cho trẻ ăn các sản phẩm từ đậu phộng như: Bơ pha nước, bánh phồng hoặc bột, tránh đậu phộng nguyên hạt.

Nếu con bạn bị chàm nặng, hãy hỏi bác sĩ nhi khoa hoặc chuyên gia dị ứng về việc bắt đầu dùng các sản phẩm từ đậu phộng khi trẻ khoảng 4 tháng tuổi. Chế độ ăn đa dạng trong năm đầu đời sẽ giúp bé không dị ứng thực phẩm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn