MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Ảnh: hải nguyễn

5 mẫu virus của các ca dương tính lại: Nuôi cấy không phát triển

hương giang LDO | 01/05/2020 20:00
Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, các chuyên gia đã thực hiện việc nuôi cấy lại 5 mẫu virus của các ca dương tính lại với SARS-CoV-2 sau khi khỏi bệnh nhưng các virus này không phát triển. Tuy nhiên, virus này diễn biến bất thường, nên cần cảnh báo người dân không được chủ quan.

Virus ở người tái nhiễm không phát triển khi nuôi cấy

Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, đến thời điểm này, Việt Nam ghi nhận 270 trường hợp mắc COVID-19 (ngày thứ 12 liên tiếp không ghi nhận ca mắc tại cộng đồng, kể từ ngày 17.4); 222 trường hợp đã khỏi bệnh...

Hiện nay còn lại 48 người bệnh đang điều trị tại 9 cơ sở khám chữa bệnh, trong đó kết quả xét nghiệm chuyển âm tính lần 1 là 8 ca, âm tính 2 lần liên tiếp là 2 ca, âm tính 3 lần liên tiếp trở lên là 4 ca, số ca kết quả xét nghiệm đang dương tính, chưa chuyển biến là 34 ca. 

Về việc điều trị tại các tuyến, có 38 ca (79,2%) đang được điều trị tại các bệnh viện tuyến trung ương, có 8 ca (16,7%) đang điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh và 2 ca (4,2%) đang điều trị tại các bệnh viện tuyến huyện.

3 bệnh nhân diễn biến nặng (số 19, 91, 161), trong đó bệnh nhân số 19 và 161 đang tập cai thở máy; Bệnh nhân số 91: Hiện nằm yên/an thần, không sốt, thở máy, không chảy máu thêm, tim co bóp tốt, tiến triển tốt hơn trước. Xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính 3 lần liên tiếp các ngày 22-23-24.4.2020.

8 trường hợp dương tính trở lại sau khi đã khỏi bệnh đang được cách ly, theo dõi tiếp tại các cơ sở y tế. Ban Chỉ đạo Quốc gia cho biết các chuyên gia đã thực hiện việc nuôi cấy lại 5 mẫu virus của các ca dương tính lại nhưng các virus này không phát triển.

Trong đó: 3 bệnh nhân (BN 188, 137, 74) tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2); 2 bệnh nhân (BN 52,149) tại Bệnh viện dã chiến 2 Quảng Ninh, 1 bệnh nhân (BN 36) tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bình Thuận, 2 bệnh nhân (BN 207, 224) tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.

Virus SARS-CoV-2 diễn biến bất thường

Tại Việt Nam, trong tuần (từ 20-26.4) chỉ ghi nhận 2 trường hợp mắc mới ngày 24.4 (về từ nước ngoài, được cách ly ngay khi xuống sân bay), ghi nhận ngày thứ 11 liên tiếp không có trường hợp mắc mới tại cộng đồng. Tuy nhiên, ghi nhận 5 trường hợp khỏi bệnh nhưng được xét nghiệm dương tính trở lại đang được theo dõi tại các cơ sở y tế.

Điều đó cho thấy tính phức tạp trong cơ chế lây nhiễm của virus SARS-CoV-2, cần đánh giá và triển khai đúng các biện pháp phòng, chống nhằm kiểm soát nguy cơ lây nhiễm COVID-19, đặc biệt đối với các trường hợp nhiễm bệnh trong cộng đồng nhưng không biểu hiện triệu chứng, triệu chứng nhẹ. 

Đánh giá về tình hình dịch bệnh COVID-19 thời gian tới, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng của Bộ Y tế, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng: “Sắp tới, chúng ta có thể có thêm những ca mắc COVID-19 từ người nhập cảnh hoặc những người vào nước theo đường bộ, lối mòn. Dù có ca dương tính song không đáng ngại vì chúng ta đã cách ly được số lượng này”.

Theo PGS Phu, những ca ngoài cộng đồng chính là mối nguy cơ thứ 2 ở nước ta. Chúng ta phải xác định vẫn còn có thể có những ca dương tính ngoài cộng đồng. Với các ổ dịch chúng ta từng đối phó như Sơn Lôi, quán bar Buddha, Bạch Mai, Hạ Lôi, một khi phát hiện, đã được phong tỏa, kiểm soát chặt từ F0, kể cả F1, F2, cách ly triệt để, hạn chế cho tiếp xúc với nhau nên đã kiểm soát tốt. Các ổ dịch được phong tỏa 28 ngày, những ai có dấu hiệu đều đã được phát hiện.

“Phần lớn chúng ta quản lý được các ổ dịch. Nhưng ở cộng đồng thì khác, dù có thực hiện giãn cách xã hội cũng không thể quản được 100%. Một đất nước cả 100 triệu dân, vẫn còn đi lại, gặp nhau, hơn nữa, có nhiều người mắc không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Do đó, nguy cơ còn ca mắc ngoài cộng đồng là vẫn luôn có” - ông Phu nói. Ông Phu cho rằng, ca mắc ở Hà Giang là điển hình của việc giao lưu với nước ngoài, ngay sát biên giới, song cũng không đáng ngại vì họ giao lưu không rộng và chủ yếu trong địa bàn.

Việt Nam đã có 8 ca dương tính trở lại sau khi đã được công bố khỏi bệnh, theo PGS Phu, về lý thuyết, việc tái dương tính có thể lây song thực tế, chưa ghi nhận sự lây nhiễm từ những người này. Qua đây chứng tỏ virus này có những diễn biến bất thường, để thấy người dân không nên chủ quan. 

Trước câu hỏi khi nào mới là đỉnh dịch COVID-19 ở Việt Nam, chuyên gia này đánh giá, Việt Nam chưa có đỉnh dịch và nếu khống chế tốt thì khả năng sẽ không có đỉnh dịch.

“Người ta vẫn hay nói là làm thẳng đường cong. Có đỉnh dịch hay không phụ thuộc vào việc chống dịch. Nếu chúng ta thỉnh thoảng có một vài ca thì không đáng lo” - ông Phu nói. 

Điều kiện nào được công bố hết dịch?

Theo PGS Trần Đắc Phu, để công bố hết dịch phải đảm bảo quy định, phải đáp ứng điều kiện không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau khoảng thời gian nhất định. Đối với bệnh COVID-19 là 28 ngày, được tính từ ngày trường hợp mắc bệnh gần nhất được cách ly tại cơ sở y tế. Đồng thời, các biện pháp chống dịch phải triển khai đầy đủ theo luật bệnh truyền nhiễm, đảm bảo dịch không còn nguy cơ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn