MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sai lầm khi điều trị có thể khiến bệnh tăng huyết áp nặng hơn. Ảnh ghép: Mạnh Hoạt.

5 sai lầm rất nhiều người bị huyết áp cao mắc phải

AN AN (THEO BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH) LDO | 20/03/2023 16:00

Rất nhiều bệnh nhân huyết áp cao đã ngưng thuốc khi thấy huyết áp trở về trạng thái ổn định. BS.CKI Hồ Thị Tuyết Mai – Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM đã phân tích thêm những sai lầm khi điều trị căn bệnh này mà nhiều người mắc phải. 

1. Ngưng thuốc điều trị huyết áp khi thấy huyết áp ổn định

Rất nhiều bệnh nhân tự ý ngưng thuốc huyết áp khi thấy chỉ số huyết áp về bình thường vì cho rằng đã hết bệnh tăng huyết áp. Đồng thời họ cũng chỉ uống khi nào thấy huyết áp cao thôi.

Theo BS.CKI Hồ Thị Tuyết Mai điều này rất nguy hiểm vì huyết áp về bình thường là do tác dụng của thuốc, khi ngưng thuốc nồng độ thuốc trong người không còn nữa nên chắc chắn huyết áp sẽ tăng trở lại.

Nhiều bệnh nhân không có biểu hiện gì đặc biệt khi huyết áp cao nên người bệnh khó nhận ra để uống thuốc lại và nếu huyết áp lên quá cao sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm như xuất huyết não…

2. Dùng chung đơn thuốc với người khác, chủ quan không đi khám bệnh

Khi bị huyết áp cao, thậm chí chỉ số đo được đến 200/100mmHg nhưng do không có triệu chứng gì khiến nhiều người chủ quan bệnh nhẹ nên không đi khám bệnh và không điều trị.

Một số người khác cho rằng toa thuốc huyết áp của một người có thể điều trị hết cho tất cả mọi người nên xin toa của người khác về mua uống và tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, điều này rất nguy hiểm vì mỗi bệnh nhân có tình trạng sức khỏe, chỉ số huyết áp, giai đoạn của bệnh, các bệnh lý khác đi kèm khác nhau.

3. Tự ý đổi thuốc huyết áp đang dùng

Nhiều bệnh nhân đang dùng thuốc hạ huyết áp ổn định lại tự ý bỏ và đổi bằng một loại thuốc khác với hy vọng tốt hơn thuốc cũ. Bác sĩ Mai nhấn mạnh, bệnh nhân không nên tự thay đổi thuốc mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ.

Loại thuốc hạ huyết áp tốt nhất là thuốc giúp kiểm soát tốt huyết áp, ít tác dụng phụ và giá thành hợp lý. Đối với người này, loại thuốc đó có thể rất tốt nhưng đối với người khác lại kém hiệu quả. Do đó, người bệnh không nên tự ý đổi thuốc khi huyết áp đang ổn định.

4. Dùng thuốc y học cổ truyền trôi nổi, không rõ nguồn gốc hoặc thuốc tự chế

Bác sĩ Mai cho biết, cho đến thời điểm này, không ít bệnh nhân vẫn tin vào thuốc thảo dược và sợ thuốc tây y vì nghĩ rằng thuốc tây y nhiều tác dụng phụ hơn thuốc thảo dược. Một số người nghe những người xung quanh truyền tai nhau về cách tự mua lá cây, rễ cây về nấu nước uống, mà không biết rằng loại thuốc tự chế này có thể làm tăng men gan hoặc tổn thương thận.

Thuốc thảo dược nếu được nghiên cứu lâm sàng và có nguồn gốc rõ ràng có thể dùng dưới sự giám sát của bác sĩ. Nhưng cần lưu ý rằng các loại thuốc thảo dược phần lớn chỉ hỗ trợ điều trị tăng huyết áp chứ không phải thuốc đặc trị tăng huyết áp. Nếu chủ quan tự điều trị, không đi tái khám huyết áp định kỳ, người bệnh có nguy cơ gặp phải những biến chứng tăng huyết huyết áp nguy hiểm đến sức khỏe.

5. Dùng một đơn thuốc kéo dài, không đi khám định kỳ

Huyết áp thay đổi có thể tốt hơn và cũng có thể xấu đi kèm theo đó là nhiều biến chứng mà chúng ta khó nhận ra. Vì vậy, cần tái khám định kỳ, để được bác sĩ kiểm tra sức khỏe, điều chỉnh thuốc, liều lượng phù hợp từng giai đoạn nếu cần, tuyệt đối không tự ý dùng mãi một đơn thuốc kéo dài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn