MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

6 thói quen xấu hình thành bệnh gout

NHẬT PHI (THEO HEALTHLINE) LDO | 03/12/2021 09:00

Bệnh gout (gút) hay còn gọi thống phong là căn bệnh phổ biến tại Việt Nam với hơn 95% nam giới tuổi trung niên mắc phải. Nhiều người vẫn thường xem nhẹ căn bệnh này và duy trì những thói quen xấu khiến cho bệnh trở nên nghiêm trọng và đau nhức hơn.

Ở thời điểm hiện tại, vẫn còn nhiều người nghĩ rằng gout là "bệnh của người giàu". Tuy nhiên, đây là một quan niệm sai lầm. Mức sống của xã hội tăng lên, lối sinh hoạt thay đổi, mọi người thường xuyên sử dụng thực phẩm chứa nhiều nhân purin (nội tạng động vật, tôm, cua, lòng đỏ trứng, nấm…); uống nhiều rượu bia, đồ uống có cồn... là nguyên nhân chính làm tăng acid uric trong máu.

Acid uric tăng quá cao trong máu và đọng lại hình thành nên các tinh thể Urat có đầu sắc nhọn, tập trung tại khớp, tổ chức dưới da gây viêm, sưng và đau đớn cho bệnh nhân.

Để phòng ngừa bệnh gout cũng như tránh cho bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, cần hạn chế những thói quen xấu dưới đây.

Uống bia, rượu, đồ uống có cồn

Đồ uống có cồn là đối tác ăn ý với bệnh gout.

Các loại bia, đặc biệt bia tươi và bia hơi có chứa nhiều nấm men. Men bia chứa nồng độ purin cao. Vì vậy, sau uống bia cơn đau có thể đến rất nhanh và gây ra đau đớn với những người mắc bệnh gout.

Đối với rượu, tuy không phải là nguồn cung cấp purin dồi dào, nhưng chất cồn trong rượu làm suy giảm chức năng hoạt động của gan thận, gây mất cân bằng việc chuyển hóa acid uric trong cơ thể.

Lạm dụng thịt và cá trong khẩu phần ăn hàng ngày

Tất cả các loại thịt thường chứa hàm lượng purin cao. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chỉ nên ăn khoảng 113g đến 170g mỗi ngày. Thịt nạc luôn an toàn hơn thịt mỡ. Chọn các thực phẩm chứa dưới 50% purin như thịt lợn nạc, lườn gà, trứng, sữa ít béo... (chỉ nên chiếm 10% protein trong bữa ăn).

Ăn nhiều nội tạng động vật, hải sản

Không ăn các thức ăn chứa từ 50% purin trở lên (thức ăn nhiều đạm) gồm các loại thịt đỏ như: Thịt bò, thịt chó, thịt dê, thịt bê, các loại hải sản, phủ tạng động vật... Những thực phẩm này dễ làm tăng nguy cơ hình thành bệnh gout cấp tính.

Ăn nhiều chất béo

Chất béo là thành phần khá quan trọng trong bữa ăn hàng ngày, cần cho quá trình chuyển hóa một số chất và vi chất quan trọng như vitamin A, D, E…

Tuy nhiên nếu dùng quá mức cần thiết, đặc biệt là chất béo bão hòa, có thể làm chậm tiến trình của acid uric và làm tăng nguy cơ xuất hiện cơn gút cấp. Các thực phẩm chất béo nên sử dụng ở người mắc bệnh gút là: dầu oliu, dầu lạc, dầu vừng.

Ăn thức ăn nhiều đường và đồ ăn vặt

Thức ăn chứa nhiều đường, chất pha ngọt, và thực phẩm đã qua chế biến thường là nguyên nhân chính gây bệnh gout. Vì vậy, thay vì uống soda và nước trái cây chứa nhiều đường, hãy thử thay thế bằng nước tinh khiết hoặc nước ép trái cây nguyên chất.

Hãy luôn để ý thành phần của các sản phẩm bạn mua ở cửa hàng tạp hóa. Tránh mua các loại thực phẩm chứa đường fructose có trong siro bắp, hoặc chỉ dùng thức ăn có đường hay các loại khác của siro bắp ở mức tối thiểu.

Lười tập thể dục, tập thể dục đột ngột với cường độ cao

Lười tập thể dục là một trong những nguyên nhân dẫn đến vô số các bệnh từ xương khớp đến các bệnh như tiểu đường, béo phì, gan nhiễm mỡ. 

Việc lười vận động khiến vùng xương khớp trong cơ thể tích tụ các tinh thể Urat ở một mức độ nhất định, dù cơ thể không có dấu hiệu gì bất thường. Tuy nhiên, đến một ngày đẹp trời bạn lại vận động với cường độ cao, các khớp xương chưa quen với cường độ mới, các cơn đau mỏi ở khớp vai, đầu gối, mắt cá sẽ xuất hiện và cơn gout tiềm ẩn trong cơ thể sẽ xuất hiện với mức độ cấp tính, và những cơn đau cấp tính này vô cùng đau đớn.

Vì vậy, đối với những người lâu không tập thể dục hay chơi thể thao. Hãy làm quen với những bài nhẹ nhàng như đi bộ và những bài tập nhẹ với biên độ chuyển động của động tác lớn, việc này sẽ giúp các khớp làm quen, đảm bảo an toàn cho bạn khi tập luyện cường độ cao sau này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn