MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
BS khám cho bệnh nhân ĐTĐ. Ảnh: BVCC

7 giây lại có 1 người tử vong vì căn bệnh này

Thùy Linh LDO | 20/07/2018 19:00
Chính lối sống lười vận động, ăn uống mất kiểm soát là nguyên chính gây nên tình trạng gia tăng người mắc đái tháo đường (ĐTĐ) typ 2.

Lười vận động, ăn uống mất kiểm soát 

Theo thống kê trên thế giới năm 2014, có khoảng 4,9 triệu ca tử vong do ĐTĐ. Căn bệnh này cũng nằm trong nhóm 7 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới.

Theo TS.BS Nguyễn Quang Toàn - Trưởng khoa Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, ĐTĐ được coi là kẻ giết người thầm lặng bởi vì đây là căn bệnh mà có thể không gây ra những cái chết nhanh chóng như các bệnh cấp tính khác nhưng nó lại âm thầm tiến triển và cuối cùng dẫn tới tử vong.

Theo số liệu của liên đoàn ĐTĐ thế giới cứ 7 giây lại có 1 người tử vong do ĐTĐ. Đặc biệt, ĐTĐ làm tăng biến chứng bệnh tim mạch như: Nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não cao gấp 2-4 lần so với người không mắc bệnh ĐTĐ và nhìn chung những người này sẽ có tuổi thọ giảm đi 6-10 năm so với người không mắc.

Theo phân tích của các BS, nếu ngày xưa người dân thường vận động thể lực nhiều, ra đồng làm ruộng, hoạt động trong các nhà máy, đi lại bằng xe đạp, đi bộ… thì giờ đây trong môi trường hiện đại, con người dần dần hình thành thói quen lười vận động, chủ yếu di chuyển bằng ôtô, xe máy, đi bộ 1-2 tầng nhưng cũng đi thang máy.

"Chính lối sống lười vận động, ăn uống mất kiểm soát là nguyên chính gây nên tình trạng gia tăng người mắc ĐTĐ typ 2"- BS Toàn nhấn mạnh. 

Là một trong nhiều bệnh nhân mắc ĐTĐ nặng đang điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bà N.T.X (76 tuổi) ở Giáp Bát, TP Hà Nội bị ĐTĐ suốt 18 năm qua vẫn chưa ổn định. Nguyên nhân ban đầu bà đưa ra là do thói quen ăn uống chưa khoa học và chưa tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sỹ tại bệnh viện khiến cho xảy ra tình trạng “ở bệnh viện thì bệnh đỡ nhưng khi về nhà bệnh càng nặng thêm”.

“Khi vào viện được ăn uống, điều trị, tiêm đúng theo quy định tôi thấy bệnh có thuyên giảm hơn rất nhiều. Trước đó, lượng đường đo được của tôi là 15. Nhưng sau khi điều trị tại bệnh viện thì tôi đã xuống 5. Đáng lẽ đường huyết của tôi đã ổn định tuy nhiên do thói quen ăn uống mất kiểm soát đã khiến chỉ số đường huyết của tôi tăng cao bất thường và buộc phải vào viện để điều trị.

Bệnh nhân ĐTĐ phải tích cực vận động. Ảnh: BVCC

Ngày càng "trẻ hóa"

Ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, ĐTĐ typ 2 phổ biến hơn và chiếm đến 90% tổng bệnh nhân ĐTĐ trong khi typ 1 chỉ chiếm có 5%.

Theo TS.BS Nguyễn Quang Toàn, cách đây khoảng 20 năm, những ca bệnh ĐTĐ ở Việt Nam tương đối hiếm. Ngoài ra, những người mắc bệnh thuộc tuýp 2 thường chỉ nằm ở độ tuổi từ 40 tuổi trở lên.

"Tuy nhiên hiện nay, sự trẻ hóa đã được ghi nhận trên thế giới và ở Việt Nam, tình trạng người trẻ bị bệnh đái tháo đường không còn lạ, thậm chí người bệnh dưới 13 tuổi là chuyện bình thường và khá phổ biến. Bên cạnh đó, một số trẻ nhỏ mắc bệnh do có lối sống sinh hoạt và ăn uống thiếu khoa học khi hàng ngày dành quá nhiều thời gian ngồi xem tivi, điện thoại, máy tính…”, BS Toàn nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn