MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người bị bệnh mãn tính dễ trở nặng hơn sau mắc COVID-19. Ảnh: Phạm Đông

Ai có nguy cơ cao dễ trở nặng khi mắc COVID-19?

Phạm Đông LDO | 26/03/2022 08:28

Người mắc các bệnh mãn tính như: Tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... có sức đề kháng với COVID-19 kém hơn người khỏe mạnh, thậm chí có nguy cơ cao bị biến chứng nghiêm trọng từ loại virus gây bệnh này.

Virus SARS-CoV-2 gây ra bệnh COVID-19, có thể dẫn đến các vấn đề hô hấp từ nhẹ đến nghiêm trọng. Do có sẵn bệnh lý nền về phổi, người mắc COVID-19 khi bị phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) thì nhiều nguy cơ diễn tiến nặng hơn.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm TPHCM - cho biết, người bệnh mạn tính cần cảnh giác cao độ dịch COVID-19. Trong quá trình tư vấn cho F0, ông đã gặp nhiều trường hợp bệnh mãn tính đang ổn định bỗng trở nặng khi bệnh nhân mắc COVID-19.

Bệnh nhân có bệnh mãn tính trong người khi mắc COVID-19 sẽ là sự cộng hưởng giữa 2 mạch bệnh. Chắc chắn khi mắc COVID-19 sẽ làm tình trạng bệnh nền của bệnh nhân nặng lên và khó kiểm soát hơn, nhất là tiểu đường và cao huyết áp. Trong đó, tình trạng phổ biến là bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính như các bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, xơ gan cổ trướng, khi mắc COVID-19 nhiều trường hợp chuyển biến bệnh rất nhanh. 

Theo bác sĩ Khanh, bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, các bệnh tim mạch... sẽ có chế độ ăn uống riêng biệt và dùng thuốc lâu dài. Trong thời gian mắc bệnh, cứ lo tập trung sợ dịch bệnh mà tự ý dừng thuốc, hay ăn uống các loại thực phẩm kiêng kỵ chỉ vì mục đích ngăn ngừa bệnh, cải thiện khả năng miễn dịch cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ tái phát các bệnh mãn tính.

Bác sĩ Phí Thị Hải Anh - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện đa khoa Hà Đông, Hà Nội - cho biết, người bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính nguy cơ chuyển nặng nếu mắc COVID-19 do suy giảm miễn dịch và tổn thương cấu trúc đường thở, nhu mô phổi.

Để phòng ngừa nguy cơ chuyển nặng, bác sĩ khuyến cáo nhóm COPD tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ và duy trì sử dụng thuốc đều đặn. Chủ động theo dõi các dấu hiệu như thân nhiệt, triệu chứng ho, khó thở, đàm, mệt mỏi... liên hệ y tế khi triệu chứng tái phát. Nếu bệnh trở nặng, nhanh chóng đến bệnh viện để khám và can thiệp sớm.

"Bệnh nhân phải tiếp tục sử dụng corticosteroid dạng hít (ICS) kể cả khi mắc COVID-19, do ICS có tác dụng bảo vệ chống lại đợt cấp tính" - bác sĩ Anh nói.

Bệnh nhân được bác sĩ khuyến cáo tiêm vaccine COVID-19, cúm, phế cầu. Trước khi tiêm chủng, bệnh nhân phải ở giai đoạn ổn định sức khỏe, sau tiêm nếu khó thở tăng, thở rít, nổi ban rát sẩn ngoài da... báo ngay cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất.

Để giảm tương tác thuốc với vaccine cũng như làm giảm hiệu lực bảo vệ của vaccine, vài tuần sau khi tiêm, bệnh nhân COPD tránh dùng thuốc nhóm corticosteroide đường uống và đường tiêm, chuyển sang thuốc corticosteroid dạng hít.

Theo các bác sĩ, bệnh nhân cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, giảm lượng muối trong chế biến thức ăn, giảm mỡ, giảm đường, thay các món chiên xào bằng hấp, luộc nhiều hơn. Tăng cường rau xanh và hoa quả tươi trong bữa ăn hằng ngày. Hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, các loại đồ uống có chứa chất kích thích như cà phê, nước ngọt, nước tăng lực.

Ngoài ra, người mắc các bệnh lý mạn tính phải lưu ý kiểm soát tốt bệnh bằng thuốc, tốt nhất nên chuẩn bị thuốc điều trị trong 2 tháng; Có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, vận động thân thể hợp lý. Nếu cơ thể có bất kỳ thay đổi nào nên báo cho bác sĩ hoặc đi khám càng sớm càng tốt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn