MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các cán bộ y tế chuẩn bị dụng cụ thực hiện test nhanh COVID-19. Ảnh: Tô Thế.

"Ai phải cách ly, cách ly thế nào trong dịch COVID-19?"

PGS.TS.BS LÊ VĂN ĐÔNG (HỌC VIỆN QUÂN Y) - TỔ TRƯỞNG TỔ BIÊN SOẠN LDO | 01/04/2020 09:30

Dịch COVID-19 là dịch bệnh mới và một trong những biện pháo ngăn chặn dịch bệnh lây lan là cách ly. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu cách ly y tế là gì. Để giải đáp những thắc mắc trên, Cục Quân y (Học viện Quân y) đã đưa ra 100 câu hỏi - đáp về dịch bệnh COVID-19.

51. Cách ly y tế là gì?

Cách ly y tế là việc tách riêng người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm hoặc vật có khả năng mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh. 

52. Tại sao khi có dịch COVID-19 lại phải tiến hành cách ly y tế?

Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, COVID-19 là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm nên bắt buộc phải tiến hành các biện pháp cách ly y tế.

53. Có những hình thức cách ly y tế nào?

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: Áp dụng với các bệnh dịch thông thường, ít có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng;

- Cách ly tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bệnh viện): Áp dụng với các bệnh dịch có nguy cơ cao, gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng;

- Cách ly nghiêm ngặt: Là hình thức cách ly cao nhất “nội bất xuất - ngoại bất nhập”. Nghĩa là người đang ở khu vực cách ly nghiêm ngặt thì không được ra khỏi khu vực cách ly cho đến khi có quyết định kết thúc cách ly của cơ quan có thẩm quyền. Ngược lại, người đang ở ngoài khu vực cũng không được vào cho đến khi kết thúc cách ly.

 54. Thế nào là cách ly y tế tập trung?

Cách ly y tế tập trung là khi một nhóm người có nguy cơ mắc bệnh (ví dụ : Nhóm người này vừa từ vùng có dịch trở về) thì được tập trung tại một khu vực (có thể là doanh trại quân đội, bệnh viện dã chiến...) để cách ly theo quy định.

55. Thế nào là tự cách ly?

Tự cách ly là việc tự cá nhân bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm nhưng chưa có triệu chứng bị bệnh hoặc đã xét nghiệm âm tính với mầm bệnh nhưng nghi ngờ chưa thực sự hết khả năng lây nhiễm chủ động cách ly bản thân nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh.

56. Những người nào thuộc diện phải cách ly trong đợt dịch COVID-19 này?

Theo qui định hiện nay của Bộ Y tế, người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh COVID-19 đều phải được cách ly.

a. Cách ly tại nhà, nơi lưu trú:

 Những người không có các triệu chứng nghi nhiễm COVID-19 (ho, sốt, khó thở) và có một trong những yếu tố sau đây:

 - Sống trong cùng nhà, nơi lưu trú với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh;

- Cùng làm việc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh;

- Cùng nhóm du lịch, đoàn công tác, nhóm vui chơi với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh;

- Có tiếp xúc gần trong vòng 2m với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong trong thời gian mắc bệnh ở bất kỳ tình huống nào.

- Ngồi cùng hàng hoặc trước - sau hai hàng ghế trên cùng một chuyến xe/toa tàu/máy bay với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ;

- Người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam từ Trung Quốc hoặc từng đi qua Trung Quốc (trừ tỉnh Hồ Bắc) trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

b. Cách ly tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bệnh viện):

Những người đã mắc bệnh COVID-19 sẽ được cách ly tại bệnh viện theo quy định và theo chỉ định của bác sĩ cho đến khi khỏi bệnh và hết thời gian cách ly sẽ được về nhà.

c. Cách ly nghiêm ngặt:

Áp dụng với toàn bộ những người đang ở trong một khu vực xác định (ví dụ: Một thôn/bản hoặc một xã) hoặc ở một đơn vị, cơ quan nào đó mà có quyết định cách ly nghiêm ngặt thì đều phải cách ly. Không ai được ra khỏi khu vực cách ly cho đến khi có quyết định kết thúc cách ly của cơ quan có thẩm quyền, bất kể người đó có hay không có nguy cơ mắc bệnh.

57. Người đang bị bệnh COVID-19 chưa khỏi thì phải áp dụng hình thức cách ly nào và thời gian cách ly trong bao lâu?

Người mắc bệnh truyền nhiễm là người bị nhiễm tác nhân gây bệnh truyền nhiễm có biểu hiện triệu chứng bệnh. Theo qui định hiện nay của Bộ Y tế, người đang bị bệnh phải áp dụng cách ly nghiêm ngặt và cách ly cho đến khi điều trị khỏi, hết triệu chứng, có xét nghiệm virus tối thiểu 2 lần âm tính. Sau khi ra viện, vẫn phải tự cách ly ở nhà đủ trong 14 ngày.

58. Người đang bị ho, sốt, khó thở mới chỉ nghi ngờ bị bệnh COVID-19 chưa có khẳng định chắc chắn thì phải áp dụng hình thức cách ly nào, thời gian cách ly trong bao lâu và tại sao?

Người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm là người tiếp xúc hoặc người có biểu hiện triệu chứng bệnh truyền nhiễm nhưng chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Theo qui định hiện nay của Bộ Y tế, người đang bị sốt, ho, khó thở nghi ngờ mắc COVID-19 phải đến ngay cơ sở y tế khám, nhập viện và thực hiện cách ly bắt buộc. Thực hiện ngay bằng các biện pháp dự phòng lây nhiễm gồm vệ sinh đường hô hấp khi ho, hắt hơi (đeo khẩu trang, rửa tay khi tiếp xúc với dịch tiết đường hô hấp, hạn chế tiếp xúc với người khác, nếu có thì phải cách xa >2m), thực hiện cách ly bắt buộc nếu có yếu tố dịch tễ (trở về từ vùng có dịch, tiếp xúc hoặc tiếp xúc gần với người bệnh mắc COVID-19...). Tiến hành lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 để xác định ca bệnh.

Thời gian cách ly tối thiểu là 14 ngày kể từ ngày phát hiện triệu chứng hoặc đến khi có xét nghiệm COVID-19 âm tính.

59. Người không có biểu hiện bệnh mới chỉ nghi ngờ bị mắc COVID-19 (do trước đó nghi có tiếp xúc với mầm bệnh) thì phải áp dụng hình thức cách ly nào, thời gian cách ly trong bao lâu và tại sao?

Theo qui định hiện nay của Bộ Y tế, người không có triệu chứng gì nhưng trước đó có tiếp xúc với người bệnh/nghi ngờ mắc bệnh thì chỉ cần áp dụng cách ly tại nhà nhưng phải thông báo cho cơ sở y tế biết. Người này nên đeo khẩu trang khi tiếp xúc người khác, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng sau khi có tiếp xúc với dịch tiết của cơ thể. Thông báo ngay khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở. Thời gian cách ly cũng là 14 ngày.

60. Tại sao người đi về từ vùng có dịch dù không có biểu biện bị bệnh hoặc nghi ngờ tiếp xúc với mầm bệnh vẫn phải tiến hành cách ly?

Vì những người này hoàn toàn có thể lây nhiễm virus từ vùng có dịch nhưng chưa có biểu hiện bệnh. Nhóm người này cần cách ly để đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Nếu không cách ly nhóm người này mà họ có xuất hiện triệu chứng bệnh thì số người phải cách ly tiếp theo là rất lớn và rất khó kiểm soát triệt để.

Mời độc giả đón đọc phần 7: "Người về từ vùng có dịch COVID-19 phải làm gì?" trên Lao Động điện tử vào 9h30 ngày 2.4

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn