MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ăn nhanh có thể làm bạn béo phì

Minh Ánh (theo healthline) LDO | 26/04/2021 15:57

Ăn nhanh có thể giúp bạn tiết kiệm vài phút trong mỗi bữa ăn, nhưng nó cũng làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác nhau, bao gồm béo phì và tiểu đường loại 2,...

1. Không nhận được các tín hiệu cảnh báo no

Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, các chuyên gia cho rằng, dạ dày mất khoảng 20 phút để thông báo với não rằng bạn đã ăn đủ. Việc ăn quá nhanh sẽ khiến bạn nạp thêm calo trước khi cơ thể có cơ hội báo hiệu rằng bạn không thực sự cần chúng.

2. Khó tiêu và khó chịu trong dạ dày

Chứng khó tiêu là kết quả phổ biến của việc ăn quá nhanh. Các triệu chứng có thể bao gồm cảm giác nặng nề, có thể là nóng rát, theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ.

Cảm giác khó chịu thường biến mất khi cơ thể bạn có cơ hội tiêu hóa hết thức ăn. Nhưng nếu chứng khó tiêu của bạn vẫn còn, hãy nói chuyện với bác sĩ để đảm bảo rằng nó không phải do các biến chứng khác ở đường tiêu hóa, chẳng hạn như sỏi mật hoặc loét.

3. Thừa cân, béo phì

Thường xuyên ăn quá nhanh có thể làm tăng đáng kể nguy cơ thừa cân. Một nghiên cứu về chủ đề này, được công bố trên Tạp chí Quốc tế về Béo phì vào tháng 11 năm 2015, cho thấy tình trạng ăn nhanh có liên quan đến việc chỉ số BMI tăng cao và trọng lượng cơ thể dư thừa.

Nghiên cứu về "Mối liên hệ giữa tỷ lệ ăn uống và béo phì" đăng trên Tạp chí Quốc tế về Béo Phì (London) năm 2015, cũng chỉ ra rằng những người ăn nhanh có nguy cơ béo phì cao gấp đôi so với những người ăn chậm.

4. Các vấn đề sức khoẻ khác

Ăn nhanh không chỉ làm tăng nguy cơ thừa cân và béo phì mà còn dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác, bao gồm:

    • Bệnh tiểu đường loại 2: Ăn nhanh có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn. Một nghiên cứu công bố trên Viện nghiên cứu lâm sàng Scotland năm 2013, cho thấy những người ăn nhanh có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 2,5 lần so với những người ăn chậm.
    • Hội chứng chuyển hóa: Ăn nhanh và tăng cân có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa - hội chứng bao gồm một nhóm các yếu tố tập hợp trên một người bệnh là tình trạng béo bụng, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, kháng insulin.
    • Tiêu hóa kém: Những người ăn nhanh thường không nhai kỹ, miếng thức ăn lớn khiến dạ dày phải tiêu hoá lâu hơn, điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa.

      Làm thế nào để giảm tốc độ ăn

      Nếu bạn muốn ăn chậm hơn, đây là một số mẹo bạn có thể thử:

      • Không vừa ăn vừa xem TV, điện thoại: Ăn trước TV, máy tính, điện thoại thông minh hoặc các thiết bị khác có thể khiến bạn thiếu tập trung vào bữa ăn và có thể ăn nhanh một cách vô thức, khiến bạn không theo dõi được bạn đã ăn bao nhiêu.
      • Đặt đũa, thìa xuống sau mỗi lần ăn: Điều này giúp bạn ăn chậm lại và thưởng thức đồ ăn trọn vẹn hơn.
      • Không để quá đói: Tránh để bụng quá đói giữa các bữa ăn. Nó có thể làm cho bạn ăn quá nhanh và đưa ra quyết định ăn như thế nào kém. Giữ một số đồ ăn nhẹ lành mạnh xung quanh để ngăn chặn điều này xảy ra.
      • Nhai kỹ: Nhai thức ăn lâu hơn mọi lần trước khi nuốt. Cố gắng nhai mỗi thìa/đũa thức ăn 20-30 lần.
      • Ăn thực phẩm giàu chất xơ: Thực phẩm giàu chất xơ như trái cây và rau quả không chỉ khiến bạn nhanh no mà còn làm bạn mất nhiều thời gian hơn để nhai.
      • Hãy cắn từng miếng nhỏ: Cắn miếng thức ăn nhỏ hơn có thể giúp bạn giảm tốc độ ăn và kéo dài bữa ăn.

      Giống như tất cả các thói quen mới, ăn chậm cần sự luyện tập và kiên nhẫn. Bạn có thể bắt đầu từ một trong những mẹo trên và phát triển thói quen từ đó.

      Tin mới nhất

      Gợi ý dành cho bạn