MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bác sĩ chỉ ra tác hại của lạm dụng tai nghe

Minh An LDO | 31/12/2020 12:11

Đến thăm khám tại bệnh viện khi thấy tình trạng thính lực có phần giảm sút thời gian qua, anh Trần Tiến Minh, 35 tuổi ở TP.Nam Định cho biết khả năng nghe của anh thời gian qua kém hơn trước. Bác sĩ đã chỉ ra nguyên nhân nghe kém.

Bác sĩ Nguyễn Hoài An - Trưởng khoa Tai Mũi Họng (Bệnh viện Đa khoa An Việt, Hà Nội cho biết: Không chỉ nghe kém, bệnh nhân còn thường xuyên có cảm giác bị đau nhức trong tai, thậm chí xuất hiện những tiếng vo ve và khi ngủ cũng không được ngon giấc.

Sau khi thăm khám và trao đổi, bác sĩ cho biết tình trạng này của bệnh nhân do lạm dụng tai nghe. Bệnh nhân thường xuyên sử dụng tai nghe quá nhiều, cả ngày sử dụng tai nghe đến tối lại xem phim hay các chương trình giải trí.

Nguyễn Hoài An - Trưởng khoa Tai Mũi Họng (Bệnh viện Đa khoa An Việt) tư vấn sức khoẻ cho người bệnh. Ảnh: Hải Phạm

Trung bình mỗi ngày bệnh nhân sử dụng tai nghe cả chục tiếng đồng hồ. Điều này đã làm tổn thương thần kinh tai, mạch máu không lên tai được làm ảnh hưởng tới chức năng não gây khó chịu, mất ngủ.

Bác sĩ đã nội soi tai nhưng màng nhĩ không hề bị tổn thương. Khi đo thính âm thì đã xác định được bệnh nhân bị giảm chức năng thính lực cả hai bên.

Theo bác sĩ Nguyễn Hoài An, tai nghe trong đó có tai nghe bluetooth là thiết bị thông minh và là xu hướng phát triển của khoa học công nghệ. Khi sử dụng tai nghe vừa phải thì không ảnh hưởng tới thính lực, nhưng nếu nghe tới âm lượng 85 đề xi ben (dB) sẽ ảnh hưởng tới thính lực.

Nhiều người có thói quen để âm thanh cao, sử dụng trong thời gian dài khiến tai bị ảnh hưởng. Điều này không khác gì những người làm việc trong môi trường có tiếng ồn lớn trong thời gian dài.

Theo bác sĩ An, thông thường họ chỉ thấy các triệu chứng mệt mỏi, ăn không ngon, cảm giác đầu óc ong ong, một số người có thể nôn nao… Đa số họ không hề biết rằng thính lực của mình đang giảm dần, diễn biến từ từ và họ không nhận ra, cảm giác nghe kém dần, giao tiếp cũng hạn chế. Chỉ khi nào người ta nói to hơn, bật tivi phải to hơn thì mới nghe được.

Bác sĩ An cho rằng, nên đeo tai nghe trong thời gian khoảng 30 phút đến 1 tiếng thì nên cho tai nghỉ ngơi, nếu nghe quá nhiều khoảng 5-6 tiếng với cường độ âm thanh cao thì cơ quan tai chắc chắn bị tổn thương và diễn ra kéo dài có thể hàng tháng, hàng năm.

Việc điều trị là không thể, thậm chí việc dùng thuốc cũng không có tác dụng. Chính vì thế, bác sĩ An cho rằng nếu những người có thói quen lạm dụng tai nghe cần thay đổi ngay: Nên đeo trong thời gian ngắn có nghỉ ngơi, nghe với âm thanh vừa đủ; Với trẻ nhỏ cũng không nên cho nghe to vì có thể thành thói quen nghe âm thành lớn sẽ tổn thương tai của bé.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn