MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, để tránh bị ngộ độc, người dân nên tránh các loại hải sản chứa hàm lượng độc tố cao như cá nóc, so biển hoặc một số loại cua mang hình dạng kì dị, hiếm gặp. Ảnh đồ họa: Minh Anh

Bác sĩ chỉ rõ những điều cần biết để phòng tránh ngộ độc hải sản mùa hè

Minh Anh LDO | 09/07/2021 18:00

Hải sản là loại thực phẩm vô cùng bổ dưỡng. Tuy nhiên, sử dụng không đúng cách sẽ dẫn đến nguy cơ bị ngộ độc hải sản, đặc biệt là trong mùa hè. TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã đưa ra những lưu ý quan trọng để phòng tránh tình trạng này.

Nguy cơ tử vong do ngộ độc hải sản

Về nguyên nhân gây ra ngộ độc hải sản, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết có 2 nhóm nguyên nhân chính. Thứ nhất, hải sản rất giàu đạm và protein, là môi trường lý tưởng của nhiều loại vi khuẩn, đặc biệt đối với những loại hải sản đã chết. Ăn các hải sản không được bảo quản và chế biến đúng cách có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng, nhiễm khuẩn.

Một số hải sản sản sinh ra độc tố khi chúng bị chết hoặc thối rữa, có thể kể đến như chất độc histamine trong thịt cá. Biểu hiện sau khi nhiễm phải chất độc này giống như dị ứng nhưng bản chất không phải là dị ứng.

Thứ hai, trong một số loại hải sản có chứa độc tố, ví dụ như chất độc tetrodotoxin được tìm thấy trong cá nóc, so biển, hoặc những loại cua độc có hình dạng kì dị, hiếm thấy như cua quạt, cua Florida.

Ngoài ra, có những loại hải sản khác cũng chứa độc tố hàm lượng không cao, nhưng nếu ăn quá nhiều cũng có thể dẫn đến nguy cơ ngộ độc, ví dụ như các loại cá vược, cá nhồng, cá hồng.

Lưu ý để tránh tình trạng ngộ độc hải sản

Nhu cầu tiêu thụ hải sản tăng cao vào mùa hè, kèm theo đó là nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng ngộ độc là do nhiễm khuẩn, vì vậy cần tuân thủ đúng nguyên tắc “ăn chín, uống sôi”, cụ thể là chế biến kỹ các loại hải sản trước khi ăn.

Nhiều thực khách khoái khẩu với món lẩu hải sản, nhưng cần phải nhúng cho hải sản chín kỹ rồi mới ăn. Nếu ăn hải sản mới chín tái thì nguy cơ mắc bệnh vẫn còn nguyên. Ngoài ra, thực khách cũng không nên ăn hải sản đã chế biến từ lâu mà chỉ ăn món ăn mới nấu chín, còn nóng sốt.

Đối với một số hải sản phải sử dụng tươi sống như hàu, TS.BS Nguyên cũng chỉ ra nhóm đối tượng cần hạn chế ăn hải sản tươi sống, bao gồm những người bị suy giảm miễn dịch, người gầy yếu hoặc người mắc bệnh về gan, nghiện rượu. Những đối tượng này nếu bị ngộ độc sẽ dẫn đến nguy cơ tử vong cao.

Ngoài ra, không nên ăn hải sản ở vùng có thủy triều đỏ, do hải sản ở nơi này dễ nhiễm phải tảo độc, gây ngộ độc, nhất là các loại nghêu, sò, trai, ngao... Khi mua hải sản, không nên mua tôm, cua, sò, ốc, hến... đã chết, vì hải sản chết càng lâu, lượng histamin sinh ra càng nhiều, ăn vào càng dễ bị dị ứng, ngộ độc, rất nguy hiểm.

Ngộ độc hải sản do nhiễm khuẩn sẽ gây ra những triệu chứng như tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa. Đối với những trường hợp này, cần tuân thủ nguyên tắc bù nước, bù muối ngay tại nhà.

Nghiêm trọng hơn, nếu bệnh nhân gặp phải các triệu chứng liên quan đến thần kinh, tim mạch thì cần sơ cứu ngay tại chỗ, sau đó lập tức đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn