MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình điều trị cho những bệnh nhân chạy thận gặp sự cố. Ảnh: PV

Bác sĩ “điểm mặt” những nguy cơ khi chạy thận nhân tạo

L.Hà (ghi) LDO | 30/05/2017 17:19
Trước sự cố khiến 7 người chạy thận tử vong ở Hòa Bình, TS Nguyễn Cao Luận - nguyên Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội chỉ ra một số nguy cơ khi chạy thận cần tránh.
Qủa lọc không rửa sạch sẽ gây nguy hiểm
Thể trạng không tốt là một trong những nguyên nhân dễ dẫn tới sốc khi chạy thận. Đặc biệt với bệnh nhân có thêm bệnh về tim mạch. Với những bệnh nhân đã có chỉ định chạy thận, thời gian chạy thận thường kéo dài và liên tục, do đó, người bệnh và cơ sở y tế cần được chuẩn bị đầy đủ và đảm bảo trong cả quá trình chạy thận, bao gồm: Máy móc, đường máu, đường dịch và quá trình chạy thận. Trong suốt thời gian chạy thận (3-4 tiếng/lần), cần có sự giám sát của nhân viên y tế.
Trong lọc thận nhân tạo, đường máu và đường dịch chia riêng. Đường máu sẽ có quả lọc. Theo nguyên tắc, hằng ngày, nhân viên sẽ phải dùng hoá chất để sát trùng quả lọc, sau đó rửa sạch. Nếu rửa không sạch cũng gây nguy hiểm cho người bệnh.
Ngoài ra, dịch được pha phải sử dụng loại nước đặc biệt, bằng ít nhất 95% nước chưng cất. Nếu nước xử lý không tốt hoặc chất lượng dịch không đảm bảo sẽ khiến nhiều bệnh nhân gặp biến chứng.
Biến chứng nào có thể xảy ra?
Trong một số trường hợp, chạy thận nhân tạo có thể xảy ra hạ huyết áp, buồn nôn và nôn, đau đầu, đau ngực… Các biến chứng ít gặp nhưng nặng như hội chứng mất cân bằng thẩm thấu là: Biến chứng hệ thần kinh xảy ra trong hoặc ngay sau lọc máu, thường xảy ra trong 3-4 kỳ lọc đầu. Do nồng độ ure máu quá cao, rút ure nhanh làm ure trong tế bào chưa kịp khuyếch tán ra ngoại bào, gây ra chênh lệch áp lực thẩm thấu giữa nội bào và ngoại bào, áp lực thẩm thấu nội bào cao làm nước vào tế bào gây ra phù tế bào, đặc biệt tế bào não.
Hội chứng sa sút trí tuệ do lọc máu: Hội chứng này không xảy ra trong kỳ lọc mà tiến triển dần ở các bệnh nhân lọc máu kéo dài do tích lũy nhôm ở hệ thần kinh trung ương; hội chứng ép tim do tràn dịch hoặc tràn máu khoang màng ngoài tim; chảy máu cấp hoặc rối loạn đông máu: Có thể gặp chảy máu não…
Nhiều nguy cơ khác có thể xảy ra. Với các trường hợp tử vong xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình, cần được xem xét cụ thể mới đưa ra kết luận.
Chỉ định chạy thận nhân tạo cấp trong các trường hợp suy thận cấp hoặc suy sụp cấp tính, chức năng thận của suy thận mạn suy giảm.
Chống chỉ định chạy thận nhân tạo trong một số trường hợp sau: Bệnh nhân có bệnh tim mạch nặng có thể bị rối loạn huyết động khi tiến hành thận nhân tạo; bệnh nhân đang trong tình trạng trụy tim mạch, sốc; nhồi máu cơ tim cấp, rối loạn nhịp tim nặng; bệnh nhân có rối loạn đông máu không cho phép sử dụng heparin và các bệnh nhân bị ung thư giai đoạn cuối. Các bệnh nhân không làm được cầu nối động-tĩnh mạch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn