MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần lưu ý có chế độ ăn phù hợp cho người bệnh viêm khớp dạng thấp. Ảnh minh hoạ: Ánh Nhiên

Bác sĩ khuyến cáo những thực phẩm người bệnh viêm khớp nên ăn

Minh Ánh LDO | 25/07/2023 14:13

Theo bác sĩ, người bị bệnh viêm khớp dạng thấp cần chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng. Cần cân bằng giữa các nhóm thực phẩm: Rau quả, ngũ cốc, thịt nạc và sữa ít béo.

Theo bác sĩ Trần Thị Thanh Huyền, Khoa Nội Cơ - Xương - Khớp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý mạn tính do rối loạn miễn dịch trong cơ thể gây nên.

Bệnh có những biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau và hạn chế vận động, cứng khớp buổi sáng. Các khớp tổn thương thường là khớp đốt gần, bàn ngón tay, cổ tay, khuỷu và khớp gối, thường bị đối xứng hai bên.

Bác sĩ Huyền cho biết, viêm khớp dạng thấp là một bệnh khớp tự miễn, hiện nay về cơ chế bệnh sinh đã được chứng minh có sự tham gia của quá trình đáp ứng miễn dịch cơ thể. Các yếu tố liên quan bao gồm tuổi thường gặp nhóm trung niên, giới tính nữ nhiều hơn nam và có các tác nhân như môi trường, virus, vi khuẩn…

Các biểu hiện của bệnh và phương pháp điều trị bao gồm:

- Giai đoạn sớm:

+ Sưng đau các khớp thường ở khớp đốt gần, bàn ngón, cổ tay, khuỷu tay, cổ chân và các khớp gối. Đôi khi không điển hình gặp ở 1 khớp hoặc không đối xứng.

+ Sưng đau có kèm theo cứng khớp buổi sáng trên 1 giờ.

- Giai đoạn muộn: Có thể gây biến dạng khớp, hạn chế vận động, tàn phế.

- Ngoài ra còn các tổn thương ngoài khớp như: Xơ phổi, thiếu máu, loãng xương…

- Đối tượng nguy cơ bị bệnh viêm khớp dạng thấp:

+ Giới : Nữ khả năng mắc nhiều hơn nam giới.

+ Tuổi thường bắt đầu ở tuổi trung niên.

+ Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ phát triển bệnh

+ Những người thừa cân, béo phì.

- Biến chứng: Nếu bệnh không được điều trị hệ thống sẽ gây các biến chứng như: Dính cứng khớp dẫn đến tàn phế; các biến chứng do điều trị như: Viêm loét dạ dày, tá tràng, loãng xương, đái tháo đường, suy tuyến thượng thận, nhiễm trùng, suy kiệt; tổn thương chèn ép dây thần kinh cổ tay dẫn đến hội chứng ống cổ tay, viêm gân; thoái hóa khớp thứ phát; viêm phổi, thiếu máu nặng nguy cơ tử vong.

Bác sĩ Huyền khuyến cáo, người bị bệnh viêm khớp dạng thấp cần chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng. Cần cân bằng giữa các nhóm thực phẩm: rau quả, ngũ cốc, thịt nạc và sữa ít béo. Chế độ cân bằng dinh dưỡng cũng rất quan trọng để duy trì cân nặng vừa phải giúp giảm áp lực lên khớp.

- Một số thực phẩm người bị bệnh viêm khớp dạng thấp nên ăn: Nên ăn nhiều rau tươi, ngũ cốc. Chọn thực phẩm có nhiều protein, ít chất béo: như thịt gà, thịt nạc, cá và đậu. Các loại sữa ít béo và không béo. Hạn chế ăn thực phẩm giàu chất béo và muối. Tăng cường ăn cá giàu acid béo như cá hồi, cá thu, cá ngừ… Dầu cá có thể loại trừ các tình trạng cứng khớp buổi sáng, làm giảm số lần đau khớp ở những người bị viêm khớp mạn tính.

Các vitamin đặc biệt là vitamin E có ở giá đỗ, đậu tương, lạc vừng, mầm lúa mạch có tác dụng giảm đau chống viêm tốt. Vitamin C và D có khả năng cải thiện bệnh viêm khớp…

Một số thực phẩm khác như cà chua rất tốt cho người bệnh bị viêm khớp, nó có chất chống oxy hóa cao. Một cốc nước ép cà chua mỗi ngày rất cần thiết cho việc bảo vệ sụn khớp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn