MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bác sĩ lưu ý chăm sóc trẻ sau tiêm vaccine ngừa COVID-19

NGUYỄN LY LDO | 16/04/2022 13:33

TPHCM – Ngày đầu tiên TPHCM tổ chức triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Để theo dõi sau tiêm tại nhà cho trẻ an toàn, ThS.BS Nguyễn Hiền Minh - Phó trưởng Đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM chia sẻ những lưu ý chăm sóc trẻ sau tiêm, hạn chế rủi ro xảy ra.

Trong đợt tiêm chủng cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi, vaccine ngừa COVID-19 được thành phố tiêm là Moderna và Pfizer dưới sự hướng dẫn tiêm chủng của Bộ Y tế và Sở Y tế TPHCM

  Bác sĩ lưu ý quan trọng chăm sóc trẻ sau tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: Nguyễn Ly

ThS.BS Nguyễn Hiền Minh - Phó trưởng Đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, đối với vaccine Moderna, những phản ứng rất thường gặp sau tiêm gồm: Đau tại vị trí tiêm (98,4%), mệt mỏi (73,1%), đau đầu (62,1%), đau cơ (35,3%), ớn lạnh (34,6%), buồn nôn/nôn mửa (29,3%), sưng/đau ở nách (27%), sốt (25,7%), ban đỏ tại vị trí tiêm (24%), sưng tại vị trí tiêm (22,3%) và đau khớp (21,3%). 

Với vaccine Pfizer, những phản ứng rất thường gặp sau tiêm gồm: Mệt mỏi (> 50%), đau đầu (> 30%), tấy đỏ và sưng tại vị trí tiêm (> 20%), đau cơ và ớn lạnh (> 10%), sốt (>10%, tần suất cao hơn đối với liều thứ 2). 

Tuy nhiên, có một số phản ứng rất hiếm gặp sau tiêm 2 loại vaccine trên gồm: viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, phản ứng phản vệ. Tuy nhiên, biến chứng viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim cấp khi trẻ tiêm vaccine mRNA ngừa COVID-19 (Pfizer hoặc Moderna) thường xuất hiện ở trẻ vị thành niên nam và nam thanh niên sau khi tiêm liều thứ 2 và thường xuất hiện 2-4 ngày sau tiêm, cũng có những trường hợp có thể gặp sớm (12 giờ sau tiêm) hoặc muộn hơn trong vòng 1 tuần kể từ khi tiêm, thậm chí trễ hơn đến 42 ngày.

Vì vậy, các chuyên gia lưu ý, nếu phụ huynh phát hiện trẻ có những triệu chứng như kích thích vật vã, lừ đừ, bỏ bữa, quấy khóc dai dẳng, đau ngực, đánh trống ngực, mệt lả, vã mồ hôi; khó thở khi hoạt động bình thường, khi nằm; sốt cao khó hạ nhiệt độ hoặc kéo dài hơn 24 giờ; vân tím trên da; phát ban tiến triển nhanh trong vòng vài giờ, cần được thăm khám để loại trừ viêm cơ tim, viêm màng tim cấp. 

Việc uống lá tía tô hay thuốc bổ chỉ là giải pháp tâm lý để phụ huynh an tâm nhưng không thể vì vậy mà người lớn không để ý và lưu ý đến trẻ khi về nhà. Đơn giản nhất là cho trẻ uống nhiều nước, ngủ đủ giấc, ăn theo nhu cầu của trẻ. Đặc biệt, không đắp lá cây hay bôi thuốc lạ lên vị trí tiêm. Nếu trẻ sưng đau nhiều hay sốt, phụ huynh cho trẻ uống thuốc giảm đau hạ sốt thông thường như paracetamol với liều lượng 10-15 mg/kg cân nặng của trẻ x 3-4 lần/ngày. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn