MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người đàn ông ở Tây Ninh mang con rắn cắn mình tới bệnh viện. Ảnh: Người dân cung cấp

Bác sĩ "mách nước" cách sơ cứu khi bị rắn độc cắn

Tâm An LDO | 20/08/2020 18:12

Theo các bác sĩ, khi bị rắn cắn không nên rạch vết thương, đắp những loại hóa chất hay lá cây không rõ nguồn gốc mà nên đến ngay cơ sở y tế để các bác sĩ chữa trị. 

Người đàn ông tay không bắt rắn hổ mang

Chiều ngày 19.8, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM tiếp nhận và cấp cứu một trường hợp bị rắn hổ mang chúa cắn. 

Theo lời kể người nhà bệnh nhân, khi đang làm thuê trong vườn na ở xã Suối Đá (huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh), khu vực giáp ranh núi Bà Đen, anh P.V.T (38 tuổi, ngụ huyện Tân Châu) phát hiện và cố đuổi bắt sống một con rắn hổ mang màu đen. 

Không may, anh T bị con rắn quay lại cắn vào đùi phải. Lúc này, anh T chạy nhanh ra đường kêu người đến cứu giúp. Cả người và rắn ngay lập tức được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh. Tại đây, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sụp mi, khó thở và được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM điều trị.  

Theo người thân của anh T, người đàn ông này đã mang cả con rắn đến bệnh viện vì sợ rằng thả ra thì con rắn sẽ cắn thêm người khác, hơn nữa mang đến bệnh viện để bác sĩ biết mà điều trị.

Tại bệnh viện Chợ Rẫy, hiện người này đã qua cơn nguy kịch, tỉnh táo và cử động được tay chân. 

Xử trí thế nào khi bị rắn cắn?

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang - Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM) thông tin, Khoa Bệnh Nhiệt đới hằng năm tiếp nhận khoảng 1.000 ca bệnh bị rắn độc cắn.

Hầu hết các trường hợp đều qua nguy kịch, không có trường hợp nào tử vong. Đa số các trường hợp bị rắn cắn tăng nhiều vào mùa mưa, thời điểm các loại rắn độc di chuyển ra khỏi khu vực sinh sống của nó.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang điều trị cho bệnh nhân bị rắn cắn. Ảnh: Bệnh viện cung cấp  

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang, rắn hổ chúa là loài rắn to lớn, có độc tính cao. Nọc rắn phát tán nhanh chóng làm cho nạn nhân liệt tứ chi và liệt cơ hô hấp, suy đa phủ tạng nhanh. Bệnh nhân cần được sơ cứu và truyền huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu.

Bệnh nhân bị rắn hổ chúa cắn sau đó dù giải quyết được tình trạng liệt cơ và hô hấp nhưng có thể đối diện nhiều biến chứng từ 24 đến 48 tiếng sau do nọc rắn tấn công vào cơ tim làm hủy cơ tim, suy tim cấp.

Bên cạnh đó, lượng nọc tiêm vào vết cắn nhiều có thể làm viêm mô tế bào tiến triển, sưng phù hoại tử cơ. Các cơ bị hủy vô tình phóng thích men ồ ạt có thể làm cho bệnh nhân bị suy thận cấp.

Bác sĩ Sang khuyến cáo, khi lỡ bị rắn cắn, tốt nhất cần ra khỏi khu vực nguy hiểm càng sớm càng tốt, nên hạn chế cử động vùng bị cắn, tránh làm khuyếch tán nọc độc và đến cơ sở y tế gần nhất.

Bệnh nhân nếu không mang rắn được tới bệnh viện thì có thể chụp hình hoặc quan sát loại rắn cắn mình để giúp cho bác sĩ khai thác thông tin dịch tễ. 

"Những điều không nên làm khi bị rắn cắn là không nên rạch vết thương và không nên đắp những loại hóa chất hay lá cây mà không rõ tác dụng của nó" - bác sĩ Sang cho biết. 

Bác sĩ Sang đưa ra lời khuyên, rắn cũng như các loại động vật khác, đều là thành phần sống của tự nhiên. Vì vậy, không nên bắt rắn hay sử dụng chúng dùng làm thực phẩm. 

Khi đi vào những vùng rừng núi, bụi rậm, người dân nên sử dụng các loại giày cao su, dùng gậy để khua và đánh động các loại rắn tránh xa.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn