MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các bác sĩ tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cấp cứu cho trẻ bị đột quỵ. Ảnh: BVCC

Bác sĩ "mách nước" những dấu hiệu ban đầu khi trẻ nhỏ đột quỵ

ANH NHÀN LDO | 07/01/2021 17:48

Nhiều người thường nghĩ đột quỵ chỉ xảy ra với người lớn tuổi, nhưng thực tế cho thấy rằng trẻ em cũng có thể mắc căn bệnh nguy hiểm này.

Đang ngồi chơi cùng bạn bè, bé trai 3 tuổi đột ngột bị đột quỵ, xuất huyết não. Kết quả xét nghiệm, chụp CT scan sọ não tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho thấy bé có dấu hiệu xuất huyết dưới nhện nhiều do đột quỵ.

Báo Lao Động vừa có cuộc trao đổi với bác sĩ Huỳnh Hữu Danh (khoa Ngoại Thần Kinh Bệnh viện Nhi đồng Thành phố) -một trong những bác sĩ trực tiếp cứu chữa cho bệnh nhi 3 tuổi bị đột quỵ xuất huyết não - về tình trạng đột quỵ ở trẻ em và cách phòng tránh căn bệnh này.

Thưa bác sĩ, nguyên nhân do đâu mà trẻ nhỏ bị đột quỵ?

- Đột quỵ ở trẻ nhỏ được chia làm 2 dạng, đột quỵ nhồi máu và đột quỵ xuất huyết. Trong đó, đột quỵ xuất huyết sẽ gặp nhiều hơn là đột quỵ nhồi máu.

Nguyên nhân thường gặp gây ra đột quỵ xuất huyết ở trẻ em là dị dạng động tĩnh mạch não và túi phình mạch máu não. Khi bệnh nhi có túi phình mạch máu não hoặc dị dạng động tĩnh mạch não, thường bé không có bất kỳ biểu hiện gì, đôi khi có thể có đau đầu, co giật, ... Nhưng khi những tổn thương này vỡ ra, gây xuất huyết não, sẽ ảnh hưởng nguy kịch đến tính mạng bệnh nhi. Chính vì vậy cần nhận biết sớm những trường hợp xuất huyết não này.

Vậy biểu hiện của đột quỵ ở trẻ em là gì?

- Đối với những trẻ lớn, thì dấu hiệu đột quỵ tương tự người lớn, như: méo miệng, nói đớ, liệt nửa người đột ngột .

Còn ở trẻ nhỏ, những dấu hiệu này rất khó có thể nhận ra. Có nhiều trường hợp đột quỵ không có biểu hiện rõ ràng mà chỉ đau đầu, nôn ói, lơ mơ, lừ đừ. Những triệu chứng này rất chung chung và có thể nhầm lẫn với các bệnh lý khác.

Cách sơ cứu đột quỵ ra sao, thưa bác sĩ?

- Hiện tại các chuyên gia đều khuyến cáo là khi trẻ có các dấu hiệu trên, cần nhanh chóng đưa trẻ đến khám tại các bệnh viện có chuyên khoa thần kinh.

Những thông tin bác sĩ vừa nêu chứng tỏ bệnh đột quỵ ở trẻ em cực kỳ nguy hiểm. Vậy làm thế nào để hạn chế tình trạng này?

- Đối với trẻ em, phòng ngừa đôt quỵ hiện đang là một thách thức rất lớn và khó khăn cả trên thế giới.

Vì ở người lớn, các bệnh nhân đột quỵ có các yếu tố nguy cơ như: hút thuốc lá, xơ vữa động mạch, béo phì,... Còn ở trẻ em, không có các yếu tố nguy cơ này.

Như đã nói ở trên, các nguyên nhân đa phần là do bẩm sinh, các dị dạng động tĩnh mạch não hay túi phình mạch máu não đều không có biểu hiện rõ ràng khi chưa vỡ. Chính vì vậy rất khó phòng ngừa bệnh lý đột quỵ ở trẻ em.

Bệnh đột quỵ rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác vì biểu hiện không rõ ràng. Có thể nhầm lẫn với viêm màng não, vì đôi khi bé có sốt kèm theo. Có thể nhầm lẫn với bệnh động kinh nếu bé có biểu hiện co giật. Thậm chí, có thể nhầm lẫn với các bệnh lý đường tiêu hóa do bé có nôn ói.

Vậy đâu là thời gian vàng cấp cứu đột quỵ ở trẻ em?

- Thời gian vàng trong bệnh đột quỵ nói chung vẫn khuyến cáo 6 giờ. Tuy nhiên những nghiên cứu hiện tại trên người lớn thì có thể kéo dài thời gian vàng thêm.

Những nghiên cứu về thời gian vàng cho đột quỵ trẻ em thường rất ít do bệnh lý rất hiếm gặp, hiện chưa có nghiên cứu đầy đủ nào để kết luận chính xác. Do vậy nên phải xử trí được đột quỵ cho bệnh nhi càng sớm càng tốt.

Xin cảm ơn những chia sẻ của bác sĩ!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn