MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
BS Nguyễn Phan Nguyên thăm khám cho em bé sau 2 lần nội soi gắp dị vật. Ảnh: K.Q

Bác sĩ nội soi 2 lần để gắp bọ cánh cứng trong khí quản bé 8 tháng tuổi

Khương Quỳnh LDO | 08/06/2017 18:15
Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 đã phải thực hiện 2 lần phẫu thuật nội soi mới gắp được toàn bộ con bọ cánh cứng rơi vào khí quản em bé 8 tháng tuổi. Tuy đã lấy hết dị vật, song, côn trùng rơi vào đường thở của em bé tiết axit đã gây phù nề nặng niêm mạc khí quản.

Ngày 8.6, BS Nguyễn Phan Nguyên - khoa Tai Mũi họng, BV Nhi đồng 1 TPHCM - cho biết, đêm 2.6, bé N.P.C.Th (8 tháng tuổi) được đưa đến BV trong tình trạng suy hô hấp và đã được đặt nội khí quản. Người nhà cho biết, trong lúc chơi đùa, một con bọ cánh cứng giống con bọ quýt đậu vào tay em bé. Mẹ bé chưa kịp đuổi thì con côn trùng đã bay thẳng vào miệng bé. Thấy con ho tím tái, người mẹ đã dùng tay đưa vào cổ họng con cố móc con côn trùng ra. Tuy nhiên, con côn trùng đã bay sâu vào đường thở bé gây tình trạng khó thở. Bé được đưa đến BV Cần Thơ, các bác sĩ đặt nội khí quản rồi chuyển lên BV Nhi đồng 1.

Tại đây, bác sĩ đã quyết định nội soi gắp dị vật ra ngoài để giải quyết tình trạng suy hô hấp của bé. Do côn trùng khá dài (gần 2cm) và đã ở trong khí quản 8 tiếng nên bị bở, đứt ra. Trong lần nội soi đầu tiên, bác sĩ chỉ gắp được 1 phần thân của con vật và giải quyết được tình trạng suy hô hấp. Bé qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên, phần đầu và 1 phần thân của côn trùng còn lại bị tắc sâu trong 1 nhánh khí quản nên chưa thể gắp ra ngay mà phải đợi đường thở của em bé ổn định.

"Sản phẩm" dị vật sau 2 lần bác sĩ gắp nội soi . Ảnh: K.Q

Qua soi đường thở, các bác sĩ phát hiện phần niêm mạc khí quản của bé bị phù nề nặng. Nguyên nhân là do con côn trùng cắn và tiết dịch axit. Khi đã giải quyết được tình trạng suy hô hấp, bé được theo dõi 2 ngày. Sau đó, các bác sĩ mới thực hiện nội soi thứ 2 để gắp nốt phần đầu và mình con côn trùng ra ngoài. Hiện, bé đã tự thở được, ăn ngủ và bú tốt.

BS Nguyễn Thế Huy - Phó khoa Tai Mũi Họng, BV Nhi đồng 1 cho biết: “Suốt 30 năm làm việc ở khoa, đây là lần đầu tiên tôi tiếp nhận một em bé với dị vật là loại côn trùng to như vậy trong đường thở. Các loại dị vật khác thì rất nhiều và cha mẹ cần có cách xử trí đúng. Nếu xử trí tốt ban đầu, bé có thể hạn chế được rất nhiều những hệ lụy sức khỏe về sau”. Đáng chú ý, có rất nhiều trường hợp trẻ bị dị vật rơi vào đường thở nhưng do rơi vào một nhánh phổi nên bé vẫn thở được và phụ huynh bỏ qua. Về lâu dài, dị vật gây viêm đường thở, bé mới được đưa đến BV để gắp dị vật. Nhiều em bé khi đến BV đã bị áp xe phổi nghiêm trọng.

Theo BS Huy, khi dị vật vào đường thở của bé, theo bản năng, khí quản sẽ co thắt lại. Do đó, em bé sẽ có biểu hiện ho, nghẹt thở, tím tái. Lúc này, cha mẹ cần xử trí bằng cách ấn mạnh vào vùng thượng vị của trẻ để giúp dị vật theo hơi bắn ra ngoài. Phụ huynh tuyệt đối không dùng tay móc dị vật có thể khiến dị vật đi vào sâu trong đường thở hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn