MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bác sĩ "vạch mặt" thông tin ung thư 'hút' vàng, 'sợ' tỏi

L.Hà LDO | 06/12/2017 20:19
Mạng xã hội chia sẻ đoạn video mô tả một khối u được phẫu tích từ cơ thể người bệnh. Khi đặt miếng tỏi gần khối u thì nó co rúm lại và lùi ra xa, nhưng khi đặt chiếc nhẫn vàng gần khối u thì nó nhanh chóng tiếp cận và "hút lấy" chiếc nhẫn.

Hình ảnh ung thư "hút" vàng, "sợ" tỏi.
Đoạn video khiến nhiều người cho rằng, thường xuyên ăn tỏi sẽ ít bị ung thư hơn. Còn những người đeo đồ trang sức, đặc biệt là vàng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Bình luận về sự lạ này, TS Lương Quốc Chính - Khoa Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai, Hà Nội) cho rằng: Từ kết quả "thí nghiệm" trong đoạn video này, người ta đã kết luận và đưa ra khuyến cáo rằng, vàng có khả năng thu hút khối u và thậm chí có khả năng gây ung thư hoặc kích thích khối u phát triển.

TS Lương Quốc Chính khẳng định: "Đây hoàn toàn là thông tin giả, nhằm mục đích thu hút sự theo dõi của cộng đồng và gây hoang mang trong dư luận".

TS Chính đưa ra lý do: Khối u ngay khi được phẫu tích ra khỏi cơ thể thì không bao giờ có mầu đen xì như đoạn video đã đăng tải. Khi bị phẫu tích khỏi cơ thể, khối u bị cắt đứt nguồn nuôi dưỡng, do vậy các tế bào khối u sẽ sớm bị hủy hoại chứ không thể sống như một số trang mạng đăng tải đoạn video mô tả.

"Ngoài ra, với bất cứ bác sĩ nào, khi phẫu tích khối u ra khỏi cơ thể sẽ đặt nó ngay vào dung dịch formalin để cố định, bảo quản và gửi đi xét nghiệm giải phẫu bệnh... chứ không bao giờ đưa nó cho bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân. 

Điều quan trọng nhất các bạn cần biết là một số loại thuốc chống ung thư như Cisplatin, Carboplatin và Oxaliplatin có thành phần chính là bạch kim. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, vàng (Gold (III)/Au) cũng có đặc tính chống ung thư như nhiều loại bạch kim khác. Các loại thuốc có bản chất là bạch kim, bạc và vàng được gọi là thuốc kim loại (metallodrugs)", TS Chính cho hay.

Về một số ý kiến vẫn cự cãi tại sao khối u lại tránh xa tỏi, TS Chính phân tích thêm: Trong thời kỳ thuyền buồm cũ, người ta tin rằng cả tỏi và hành (qua hơi thở thủy thủ) đều có ảnh hưởng tới sự chính xác của la bàn từ. Vì lý do này, cả tỏi và hành đều không được phép mang lên thuyền, đây là lý do tại sao trên các thuyền buồm và các thủy thủ trước đây đã bị tước đi sở thích ăn các gia vi tỏi và hành thơm ngon trong các bữa ăn khoái khẩu của họ.

Tỏi và hành ảnh hưởng tới độ chính xác của các la bàn từ. Nghĩa là sẽ có một từ trường xung quanh chúng để tác động đối kháng với từ trường xung quanh nam châm lỏng mà cư dân mạng đã chia sẻ và cho rằng đó là "khối u" co rúm lại, tránh xa tỏi cũng như "khối u" thu hút và nuốt vàng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn