MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ô nhiễm bụi silic trong hoạt động khai thác đá tại tỉnh Bình Định. Ảnh: TRÌNH CÔNG TUẤN

Báo động ô nhiễm trong sản xuất vật liệu xây dựng

XUÂN NHÀN LDO | 01/11/2017 10:00

Ô nhiễm bụi chứa silic trong môi trường lao động, đặc biệt là ô nhiễm bụi chứa hàm lượng silic tự do (SiO2) cao vốn là nguy cơ thường trực đối với sức khỏe hô hấp của công nhân lao động (CNLĐ) lĩnh vực khai thác, chế biến đá, sản xuất vật liệu xây dựng. 

Tại Bình Định, từ năm 1992 đến nay, có 6 công nhân nữ chết trong độ tuổi lao động vì mắc bệnh bụi phổi silic (BP-Si) hay lao kết hợp với BP-Si. Nghiên cứu mới đây do một nhóm tác giả thuộc Trung tâm Y tế dự phòng Bình Định cho thấy, tình trạng mắc bệnh bụi phổi silic ở nhóm lao động trên là phổ biến.

Ô nhiễm vượt ngưỡng ở hầu hết vị trí

Nghiên cứu do ThS Trình Công Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng - và cộng sự tiến hành dựa trên kết quả khảo sát, khám lâm sàng, phân tích, đánh giá số liệu từ 247 CNLĐ cả trực tiếp lẫn gián tiếp ở Hợp tác xã sản xuất đá xây dựng Bình Đê và Cty CP gạch tuy nen Bình Định.

Theo bác sĩ Tuấn, nhóm nghiên cứu đo môi trường lao động thông qua việc xác định nồng độ bụi toàn phần, bụi hô hấp, hàm lượng SiO2 và đánh giá tất cả vị trí làm việc của NLĐ. Kết quả đo lường được đối chiếu với quy chuẩn hiện hành để đưa ra kết luận và đề xuất giải pháp.

Tại Hợp tác xã Bình Đê, các vị trí khảo sát gồm công nhân khoan, nghiền, chẻ đá, lái xe, sản xuất gạch block, gạch lát nền, gạch 6 lỗ, vệ sinh công nghiệp và các nghề khác cho ra chỉ số sau: Nồng độ bụi toàn phần vị trí khoan đá là 3,62mg/m3, nghiền đá từ 2,76-3,08mg/m3, lái xe 2,81-2,82mg/m3, chẻ đá 3,08mg/m3; về nồng bụi hô hấp, số đo cho từng vị trí tương ứng là 1,54mg/m3, 1,36-1,55mg/m3, 1,21-1,16mg/m3, 1,53-1,61mg/m3... So với giới hạn mà Bộ Y tế đưa ra tại Quyết định 3733/2002/QĐ-BYT về 21 tiêu chuẩn vệ sinh lao động, 5 nguyên tắc và 7 thông số vệ sinh lao động (không quá 2mg/m3 đối với nồng độ bụi toàn phần và không quá 1mg/m3 đối với nồng độ bụi hô hấp), thì hầu hết các vị trí đều vượt tiêu chuẩn cho phép.

Tình hình cũng tương tự ở Cty gạch tuy nen Bình Định, khi nồng độ bụi toàn phần ở vị trí điều khiển xay than đá là 3,35mg/m3, điều khiển máy đùn liên hợp 2,41mg/m3, công nhân xếp goong và lò (trước nung) 2,54mg/m3, công nhân vận hành lò 3,21mg/m3... trong khi nồng độ bụi hô hấp lần lượt là 1,42mg/m3, 1,23mg/m3, 1,51mg/m3, 1,61mg/m3...

Một môi trường làm việc như vậy nên không lạ khi kết quả khám lâm sàng, chiếu chụp X-quang, đo chức năng hô hấp ghi nhận có tới 44,5% số công nhân mắc bệnh BP-Si, trong đó 7,3% đã được chẩn đoán xác định bệnh, 37,2% nghi ngờ mắc bệnh mà theo phân loại của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) thì cũng được tính như người mang bệnh; bảo hiểm xã hội vẫn cho phép giám định để hưởng chế độ dành cho bệnh nghề nghiệp.

Chỉ là “lát cắt”

Theo thống kê chưa đầy đủ, tỉnh Bình Định có 43 doanh nghiệp hành nghề khai thác, chế biến sản xuất vật liệu xây dựng với 5.009 CNLĐ. Đây chắc chắn là con số rất nhỏ so với thực tế bởi thống kê không theo kịp diễn biến phát sinh, không bao gồm những tổ nhóm quy mô nhỏ lẻ, tự phát và không tính tới lực lượng lao động thời vụ đông đảo.

Chính bác sĩ Trình Công Tuấn cũng thừa nhận: “Số liệu của chúng tôi chỉ mô tả hoạt động khám phát hiện bệnh BP-Si nghề nghiệp tại một số địa chỉ cụ thể chứ không phản ánh đúng tình hình bệnh BP-Si nói chung. Số liệu này chưa có ý nghĩa thống kê dịch tễ học, vì không phải tất cả những người tiếp xúc với bụi silic đều đã được khám phát hiện bệnh BP-Si”.

Cũng dưới cái nhìn đó, con số 459 trường hợp mắc bệnh BP-Si ghi nhận tại Bình Định cho đến nay chưa phải là toàn cảnh bức tranh. Nguyên nhân không gì khác hơn là hệ thống khám phát hiện bệnh BP-Si nghề nghiệp ở địa phương chưa được tổ chức thường xuyên, đồng bộ. “Tỉnh chỉ mới triển khai việc khám bệnh nghề nghiệp cho một số cơ sở trọng điểm mà thôi” - ông Tuấn cho biết thêm.

Cũng cần chỉ ra, nghiên cứu ô nhiễm bụi silic và nguy cơ mắc bệnh BP-Si đã chưa được quan tâm đúng mức. Gần 15 năm kể từ ngày công trình khảo sát “Tình hình mắc bệnh bụi phổi silic ở công nhân Cty đá ốp lát và xây dựng Bình Định” của Nguyễn Thị Bích Liên (Đại học Y Hà Nội) ra đời, câu chuyện đến nay mới có cơ hội “xới xáo” lại.

Phát hiện từ nhóm chuyên gia Trung tâm Y tế dự phòng Bình Định có ý nghĩa như một tiếng chuông cảnh báo lại. Nó đề xuất giải pháp, thực ra không quá khó áp dụng đối với cơ quan chức năng và người sử dụng lao động. Tựu trung, đó là sự cần thiết phải đẩy mạnh công tác truyền thông, trang bị đủ phương tiện bảo hộ cho CNLĐ, đổi mới công nghệ, cải thiện tình trạng ô nhiễm, tổ chức khám phát hiện sớm, điều trị bệnh kịp thời.

Bệnh bụi phổi-silic nghề nghiệp chiếm tỉ lệ cao nhất trong 34 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm hiện nay ở nước ta. Tính đến cuối năm 2016, tổng số bệnh nghề nghiệp mắc phải của Việt Nam là 28.659 trường hợp thì có khoảng 21.800 ca nhiễm bệnh bụi phổi-silic, chiếm tới 76,29%. Riêng năm 2015, đã phát hiện 1.369 ca nghi mắc bệnh BP-Si. Giai đoạn 2011-2015, tỉ lệ bệnh BP-Si được khám phát hiện chiếm 75% trong tổng số bệnh nghề nghiệp được phát hiện của cả nước. (Nguồn: Cục Quản lý môi trường y tế, báo cáo các năm 2015, 2016)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn