MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người nhà đang chờ một ca cấp cứu tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Ảnh: H.GIANG

Báo động phá thai tuổi vị thành niên: Vô sinh thứ phát đang gia tăng

Hương Giang LDO | 29/09/2019 06:15

Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình - Bộ Y tế, cho biết mỗi năm, Việt Nam có 300.000-350.000 ca phá thai. Trong đó, cứ 100 ca phá thai của phụ nữ tuổi từ 15-49 có chồng thì 62 trường hợp là mang thai ngoài ý muốn.

Tỉ lệ trẻ vị thành viên phá thai còn rất cao

Ngày 26.9 hằng năm là Ngày Tránh thai thế giới. Tại Khoa Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, rất đông bệnh nhân và người nhà ngồi đợi ở hành lang. Bên trong phòng chờ thủ thuật, nhiều phụ nữ đang đợi đến lượt mình, đặc biệt trong số đó có không ít các cô gái còn rất trẻ. Điểm chung của những cô gái này là ăn mặc kín đáo, bịt khẩu trang, có cô có người lớn đi kèm, có cô đi cùng bạn trai.

Sau khi vào phòng thủ thuật, các cô gái trở ra với khuôn mặt vẫn được bịt kín nhưng nhăn nhó vì đau đớn. Theo các bác sĩ, số lượng các cô gái trẻ đến bệnh viện chỉ là rất nhỏ, hầu hết, họ tìm ra các phòng khám tư. Hệ lụy lại càng khôn lường hơn nếu gặp biến chứng sau phá thai.

Một cô gái trẻ khoảng 20 tuổi, nhất quyết không chịu cho biết tên chia sẻ: “Em bị lỡ “dính bầu” trong một lần bạn trai say rượu, đưa về nhà trọ. Sau đó em đã uống thuốc tránh thai cấp tốc nhưng không hiểu sao vẫn có thai. Gia đình nhà người yêu không đồng ý cho cưới vì cả 2 đứa còn đang đi học, nên em đành lén lút đến viện phá thai”. Cậu người yêu của cô bé ngồi ở đằng xa, không dám lại gần khi thấy tôi lân la hỏi chuyện, còn cô gái thì bịt khẩu trang kín mít, đôi mắt ướt nhòe.

Theo số liệu của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, 20-30% các ca phá thai là phụ nữ chưa kết hôn và 60 - 70% là sinh viên, học sinh, chủ yếu ở độ tuổi 15 - 19. Tình trạng phá thai ở Việt Nam cao hơn nhiều nước trên khu vực và đứng thứ 5 trên thế giới. Tình trạng phá thai tuổi vị thành niên vẫn đang là vấn đề đáng báo động ở nước ta.

Ông Đinh Huy Dương - Vụ trưởng Vụ Truyền thông giáo dục - Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết: Vị thành niên/thanh niên là những đối tượng phải đương đầu với nhiều nguy cơ và thách thức liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục. Hầu hết họ đều thiếu kiến thức, kỹ năng cần thiết để chăm sóc bản thân.

Lý giải về nguyên nhân của tình trạng này, ông Dương cho rằng: “Nhu cầu tránh thai của vị thành niên, thanh niên ngày càng tăng và đa dạng nhưng việc tư vấn, cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản cho đối tượng này còn hạn chế. Đây chính là lý do quan trọng khiến tỉ lệ phá thai, bao gồm cả phá thai ở vị thành niên, thanh niên còn cao. Bên cạnh đó, tình trạng phá thai lặp lại còn khá phổ biến; tỉ lệ vô sinh, nhất là vô sinh thứ phát đang có xu hướng gia tăng”.

Gia tăng tỉ lệ vô sinh

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi một phút, có 38 ca phá thai không an toàn trên thế giới, cứ 8 phút lại có một ca chết mẹ do phá thai không an toàn. Hằng năm, khoảng 80 triệu ca có thai ngoài ý muốn, trong đó, 42 triệu ca kết thúc bằng phá thai, 20-22 triệu ca phá thai không an toàn, 68.000 ca tử vong mẹ do phá thai không an toàn (chiếm 13%). Mỗi năm, thế giới có khoảng 5 triệu phụ nữ tàn tật do biến chứng của phá thai không an toàn và hầu hết xảy ra ở các nước đang phát triển.

Theo PGS-TS Lưu Thị Hồng - Chủ tịch Hội Sức khỏe sinh sản Việt Nam: Mặc dù ngày nay có nhiều phương pháp an toàn như phá thai nội khoa (bằng thuốc), phá thai ngoại khoa (hút thai)… nhưng biến chứng trong khi thực hiện thủ thuật có thể để lại rất nhiều hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và tâm lý...

Một trong những tác hại nghiêm trọng của việc phá thai là dẫn đến vô sinh, khoảng 20% ca điều trị vô sinh có tiền sử phá thai. Nguyên nhân dẫn đến vô sinh có thể đến từ nhiều hình thức phá thai không an toàn khác nhau. Các em còn quá trẻ chưa ý thức và lo sợ nên có thể không sử dụng thuốc kháng sinh hoặc không biết cách giữ vệ sinh sau phá thai. Nhiều trường hợp vô sinh do tự ý phá thai bằng thuốc Đông y hay các loại thảo dược dân gian một cách sai lầm. Phổ biến hơn cả là các hình thức phá thai tại các cơ sở phá thai tư nhân không đủ điều kiện vệ sinh, vô khuẩn hoặc phá thai không hợp pháp, không đảm bảo an toàn dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như chảy máu, viêm nhiễm, sót rau, tổn thương tử cung, thậm chí có thể gây tử vong. Nhiều em sau đó đã không thể làm mẹ hoặc gặp những sang chấn tâm lý suốt cuộc đời.

Ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình - Bộ Y tế - cho biết: Nguyên nhân mang thai ngoài ý muốn ở đối tượng vị thành niên/thanh niên chủ yếu do nhận thức những người này chưa cao. Bên cạnh đó, tình trạng quan hệ tình dục trước hôn nhân vẫn còn phổ biến trong học sinh, sinh viên. Ngoài ra, việc cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến các vùng sâu, vùng xa còn khó khăn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn