MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà con đem màn đi tẩm để hạn chế sốt rét.

Báo động về lây lan sốt rét đa kháng thuốc ở Đông Nam Á

Minh An LDO | 27/09/2019 21:00

Bệnh sốt rét ở khu vực Đông Nam Á chỉ chiếm 5% các trường hợp mắc trên toàn thế giới, tuy nhiên các chuyên gia lo lắng các chủng sốt rét kháng thuốc đang chiếm ảnh hưởng lớn ở Việt Nam, Lào và phía bắc Thái Lan sau khi lây lan nhanh từ Campuchia. 

Tại Việt Nam, theo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, trong những năm gần đây, trên toàn quốc không xảy ra dịch sốt rét, nhiều tỉnh, thành phố không phát hiện có bệnh nhân sốt rét. Tuy nhiên, công tác phòng chống sốt rét hiện nay đang gặp một số khó khăn ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu loại trừ sốt rét Plasmodium falciparum vào năm 2025 và loại trừ hoàn toàn sốt rét ở Việt Nam năm 2030.

Một trong những vấn đề đó là ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc điều trị. Tại một số tỉnh, ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum đã kháng thuốc artemisinin. Các kết quả nghiên cứu và giám sát hiệu lực điều trị cho thấy thuốc Dihydroartemisinin - piperaquin ưu tiên sử dụng để điều trị sốt rét Plasmodium falciparum tại Việt Nam hiện nay đã bị giảm hiệu lực điều trị tại Gia Lai, Đăk Nông, Khánh Hòa, Bình Phước và Quảng Nam

Ngoài kháng artemisinin, vốn được coi là hiệu quả nhất trong điều trị sốt rét; ký sinh trùng sốt rét còn kháng cả một số loại thuốc điều trị thế hệ mới. Thông thường, người bệnh chỉ điều trị 3 ngày là hết, nhưng nay phải tăng số ngày điều trị và phải phối hợp với các loại thuốc khác vì sau 3 ngày điều trị liên tục vẫn còn ký sinh trùng sốt rét.

Cấp màn và tẩm hóa chất diệt muỗi phòng-chống sốt rét cho người dân tại Gia Lai.

Tại một số địa phương, nguy cơ bệnh sốt rét quay trở lại khá lớn, nhất là ở các vùng rừng núi, vùng ven biển nước lợ, vùng sâu, vùng xa...

Tiến sĩ Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc có nguy cơ lan rộng ra các tỉnh do vấn đề di dân biến động vào cùng sốt rét kháng thuốc và sự gia tăng giao lưu, du lịch với các nước trong khu vực có sốt rét kháng thuốc. Tỉ lệ còn ký sinh trùng sốt rét vào ngày thứ 3 điều trị liên tục tăng ở mức báo động. Như tại Gia Lai, tỉ lệ còn ký sinh trùng ngày D3 là 11% vào năm 2010 nhưng chỉ 2 năm sau đã tăng gấp đôi. Tương tự tại Bình Phước cũng tăng từ 15% lên gần 31%.

Trước tình hình ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum giảm nhạy cảm với thuốc điều trị Dihydroartemisinin - piperaquin, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương đã tiến hành nghiên cứu đánh giá hiệu lực điều trị của thuốc phối hợp Artesunat - pyronaridin (biệt dược Pyramax) trên bệnh nhân nhiễm Plasmodium falciparum chưa biến chứng tại 5 tỉnh: Đăk Nông, Bình Phước, Quảng Trị, Khánh Hòa, Ninh Thuận. Kết quả nghiên cứu cho thấy thuốc Pyramax có hiệu lực điều trị cao, an toàn và có thể lựa chọn để điều trị ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc ở Việt Nam.

Sau khi tổng hợp ý kiến các cơ quan liên quan của Việt Nam và Tổ chức Y tế thế giới, Ban Điều hành Dự án phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét đã quyết định sử dụng thuốc Pyramax để điều trị bệnh nhân mắc sốt rét do Plasmodium falciparum chưa biến chứng tại 2 tỉnh Đắk Nông và Bình Phước trong năm 2019.

Theo đó, ban Điều hành Dự án phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét cần đảm bảo nguồn cung cấp thuốc cấp cho các tỉnh có ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc Dihydroartemisinin - piperaquin. Các Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật/Trung tâm Y tế Dự phòng/Phòng chống sốt rét các tỉnh cần tiếp tục giám sát hiệu lực điều trị tại các tỉnh để có thể kịp thời sử dụng thuốc Pyramax điều trị thay thế khi có đầy đủ bằng chứng khoa học về ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc Dihydroartemisinin - piperaquin.

Bên cạnh đó cũng cần đảm bảo thực hiện thường xuyên công tác giám sát, phát hiện, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, quản lý ca bệnh, quản lý đối tượng dân di biến động đặc biệt đối với người dân đi rừng, ngủ rẫy hoặc những người trở về từ các nước có sốt rét lưu hành. Điều trị bệnh nhân sốt rét đúng thuốc, đủ liều theo quy định của Bộ Y tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn