MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội nghị trực tuyến tại Thanh Hóa chiều 31.10. (Ảnh: HT)

Bảo hiểm y tế Thanh Hóa bội chi 780 tỷ đồng

Hoài Thu LDO | 01/11/2017 10:01

Trong 21 tỉnh có chi phí khám, chữa bệnh BHYT 9 tháng vượt quỹ khám chữa bệnh BHYT năm 2017 trên 100 tỷ đồng thì tỉnh Thanh Hóa bội chi 780 tỷ đồng, đứng thứ 2 cả nước sau Nghệ An (919 tỷ).

Theo Hội nghị trực tuyến cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT vào chiều 31.10, trong 9 tháng đầu năm 2017, chi phí cho KCB BHYT cho nhóm đối tượng học sinh, sinh viên là 2.067,5 tỷ đồng với 6.322.851 lượt khám chữa bệnh. Cao nhất là: TPHCM với 785.499 lượt khám, chi 402 tỷ đồng; TP. Hà Nội 450.930 lượt khám, chi 377,99 tỷ đồng; Nghệ An 175.200 lượt khám, chi 75 tỷ đồng; TP. Đà Nẵng với 155.174 lượt khám chi 66 tỷ đồng; Thanh Hóa 104.002 lượt khám chi 52 tỷ đồng.

Đặc biệt, chỉ định dịch vụ kỹ thuật nội soi tai mũi họng lại gia tăng đáng kể, chỉ 9 tháng đầu năm cả nước có 2.016.134 lượt với chi phí 415 tỷ đồng. Trong đó, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa đứng thứ 2 (sau Nghệ An) với số tiền trên 8 tỷ đồng…

Tại Hội nghị, ông Đàm Hiếu Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và TTĐT khu vực phía Bắc, cho biết: Trong 9 tháng qua, cả nước đã có 122,6 triệu hồ sơ được gửi đề nghị thanh toán BHYT với tổng số tiền 63.593 tỉ đồng (tăng 7.579 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2016). Đặc biệt, có tới 21 tỉnh có chi phí KCB BHYT 9 tháng vượt quỹ KCB BHYT cả năm 2017 trên 100 tỉ đồng; 6 tỉnh có số chi KCB BHYT cao gồm: Nghệ An 919 tỉ đồng; Thanh Hóa 780 tỉ đồng; Quảng Nam 579 tỉ đồng; Quảng Ninh 359 tỉ đồng; Hà Tĩnh 281 tỉ đồng; Hải Dương 247 tỉ đồng.

Lý giải về vấn đề này, ông Lê Thanh Sinh – Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ: Mặc dù có con số bội chi quỹ BHYT cao đứng tốp đầu của cả nước nhưng con số này thực sự vẫn không đáng ngại, bởi Thanh Hóa là một tỉnh đông dân, số người tham gia bảo hiểm lại cao, bên cạnh đó nhiều cơ sở khám chữa bệnh BHYT lại lựa chọn thuốc, vật tư y tế giá cao trong quá trình điều trị…

Cũng tại Hội nghị, ông Lê Văn Phúc - Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT, cho biết: nguyên nhân làm gia tăng chi phí KCB BHYT của nước ta trong thời gian qua là do giá DVYT chưa hợp lý, không thực hiện đúng định mức theo quy định. Đặc biệt, việc thống kê, thanh toán DVKT còn nhiều bất cập, còn xảy ra tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm; gia tăng số lượng KCB ngoại trú và điều trị nội trú bất hợp lý; kéo dài ngày điều trị và mua sắm, sử dụng thuốc, VTYT chưa hợp lý, trục lợi quỹ BHYT.

Để khắc phục được điều này cần hoàn thiện và ban hành các quy trình chuyên môn kỹ thuật; hướng dẫn chẩn đoán và điều trị; xây dựng mức giá dịch vụ KCB phù hợp với điều kiện, khả năng cung ứng của các cơ sở KCB…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn