MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân bị đái tháo đường (ảnh N.P)

Bệnh đái tháo đường ngày càng trẻ hóa

Khương Quỳnh LDO | 29/07/2017 17:32
Theo khảo sát điều tra của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, từ năm 2002-2012, bệnh nhân đái tháo đường týp 2 ở độ tuổi từ 30-40 tăng 200%. Cá biệt, nơi đây ghi nhận bệnh nhân 9 tuổi mắc căn bệnh này.

Thông tin trên được đưa ra tại chương trình Đào tạo quốc tế chuyên sâu về Đái tháo đường (chương trình iSTEP-D) diễn ra tại TPHCM vào ngày 29.7 với sự tham gia của các bác sĩ chuyên khoa nội tiết.  

Theo GS-BS Thái Hồng Quang, Chủ tịch Hiệp hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh chóng trên toàn thế giới, đặc biệt đối với các nước đang phát triển. Theo dự báo của WHO, tỷ lệ đái tháo đường trên toàn thế giới có thể tăng 54% trong vòng 20 năm (2010 – 2030). Việt Nam là một trong những nước có người mắc đái tháo đường cao nhất thế giới, tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường chiếm khoảng 5,4% dân số, nghĩa là có 5 triệu người mắc. Tỷ lệ này tăng gấp đôi so với đầu những năm 2000.

Bên cạnh đó, tỷ lệ người bị bệnh nhưng chưa được chẩn đoán còn rất cao, chiếm 50%. Có đến hơn 50% bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường tại nước ta không nhận thức được tình trạng bệnh của mình. Họ vẫn sống chung với bệnh trong cộng đồng. Trong số 50% số người được chẩn đoán và điều trị thì có đến 50% số người có biến chứng về đái tháo đường, đó là biến chứng nhiều về tim mạch, tổn thương mắt…. Ngoài ra, lứa tuổi mắc bệnh đái tháo đường đang ngày càng trẻ hóa do tỷ lệ người béo phì càng gia tăng nhanh, đặc biệt là ở nhóm người trẻ. Do đó, phát hiện sớm là cách có thể ngăn chặn, làm giảm biến chứng của bệnh nhân.

PGS-TS Nguyễn Thy Khuê chia sẻ kiến thức về bệnh đái tháo đường (ảnh M.P)

PGS-TS Nguyễn Thy Khuê, nguyên Chủ Tịch Hiệp Hội Nội Tiết và Đái Tháo Đường Việt Nam cho biết, bí quyết để ngăn ngừa bệnh đái tháo đường và các bệnh mạn tính nói chung rất đơn giản là mỗi ngày ăn đủ nửa kilogram rau quả, đi bộ đủ nửa tiếng, ngủ từ 6-8 tiếng mỗi ngày và tìm cách giảm stress.

Ở góc độ y khoa, theo GS Thái Hồng Quang, để cải thiện tình hình chẩn đoán bệnh đái tháo đường nhằm phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời theo từng giai đoạn cho bệnh nhân, cần có sự chuẩn hóa trong các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường. Điều này không chỉ dành riêng cho các bác sĩ chuyên khoa nội tiết, mà cả các bác sĩ đa khoa, là những người cùng tham gia quá trình điều trị cho bệnh nhân, thông qua các chương trình đào tạo y khoa.

Chương trình iSTEP-D do Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) thiết kế, dưới sự hỗ trợ về mặt chuyên môn của Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam (VADE), nhằm thể hiện sự cam kết của các chuyên gia trên toàn thế giới trong việc chung tay phòng chống bệnh đái tháo đường tại Việt Nam. Chương trình iSTEP-D giai đoạn 2017-2018 tổ chức lớp đào tạo dành cho bác sĩ không chuyên khoa Nội tiết. Dự kiến sẽ có 8 khóa đào tạo trên toàn quốc về hai chủ đề chính là quản lý tăng đường huyết nội viện và quản lý tăng đường huyết ngoại viện với sự tham gia của khoảng 600 bác sĩ. Trong vòng 1-2 năm tới, 70 – 80 bác sĩ nội tiết, 600 bác sĩ đa khoa sẽ được huấn luyện TPHCM và Hà Nội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn