MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bệnh Glôcôm - nguyên nhân gây mù lòa thứ 2 ở Việt Nam

Hà Lê LDO | 24/10/2022 20:24

Bệnh Glôcôm được gọi là “kẻ cắp thị lực thầm lặng” lấy mất thị lực vĩnh viễn không hồi phục của người bệnh và là nguyên nhân gây mù lòa đứng hàng thứ 2 ở Việt Nam và nhiều khu vực trên thế giới.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Glôcôm là nguyên nhân gây mù lòa đứng thứ hai thế giới. Vào năm 2020, số người (tuổi từ 40-80) bị Glôcôm trên thế giới vào khoảng 79,6 triệu, được dự đoán tăng lên 111,8 triệu vào 2040, trong đó bệnh nhân Glôcôm người Châu Á chiếm 47%.

Ở các nước phát triển, khoảng 50% số người bị bệnh Glôcôm không biết có bệnh và không đi khám. Trong khi đó, ở các nước đang phát triển, con số này có thể tăng tới 90%.

Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, tính đến năm 2020 cả nước có 380.800 người mù hai mắt, trong đó có 24.800 người mù do Glôcôm (chiếm 65%, đứng thứ 2 sau bệnh đục thể thủy tinh 66,1%).

Ở Việt Nam, từ lâu Glôcôm được biết đến trong dân gian dưới tên “thiên đầu thống”. Ngày nay, Glôcôm được coi là một nhóm bệnh có nhiều nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh khác nhau, nhưng đều có đặc điểm chung là khi toàn phát thì nhãn áp tăng quá mức chịu đựng của mắt gây lõm và teo thị thần kinh.

Theo TS.BS Nguyễn Xuân Tịnh – Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội: Hiện nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh vẫn còn có nhiều điểm chưa rõ ràng nên không thể phòng ngừa mắc bệnh. Có thể phòng tránh được mù lòa do Glôcôm bằng cách phát hiện sớm, điều trị kịp thời bằng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật và phải được theo dõi thường xuyên, tái khám định kỳ.

Nhiều bệnh nhân mắc bệnh Glôcôm khi nhập viện trong tình trạng muộn, thị lực thấp, nguy cơ mù lòa cao. Đặc biệt, có nhiều bệnh nhân đến điều trị nhưng không tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và phác đồ điều trị nên kết quả điều trị không cao.

Ngày 24.10, Công ty Novartis Việt Nam và Bệnh viện Mắt Hà Nội đã ký kết hợp tác khởi động Chương trình Giáo dục bệnh Glôcôm (Glaucoma) cho bệnh nhân. Đây là chương trình giáo dục về bệnh Glôcôm được triển khai kết hợp trực tiếp và trực tuyến (hybrid) trong ngành nhãn khoa. Mô hình hybrid sẽ tạo sự thuận tiện để nhiều bệnh nhân dễ dàng tham gia hơn nhằm giúp họ tăng cường nhận thức cũng như sự tuân thủ trong điều trị bệnh Glôcôm.

Chương trình diễn ra ở 3 bệnh viện mắt hàng đầu cả nước, trong đó đại diện ở miền Bắc là Bệnh viện Mắt Hà Nội. Chương trình sẽ kéo dài trong vòng 3 tháng từ tháng 10.2022 đến tháng 12.2022.

TS.BS Nguyễn Xuân Tịnh – Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội cho biết: Bệnh Glôcôm là nguyên nhân gây mù lòa thứ 2 ở Việt Nam. Ảnh: Tú Linh

Để đạt hiệu quả tối ưu trong quá trình nâng cao nhận thức về bệnh Glôcôm cho bệnh nhân Glôcôm và người chăm sóc, mỗi buổi giáo dục bệnh nhân được triển khai cùng lúc dưới hai hình thức: Trực tiếp tại khán phòng bệnh viện và trực tuyến thông qua các nền tảng kỹ thuật số.

TS.BS Nguyễn Xuân Tịnh cho biết: Qua chương trình này, người bệnh và người chăm sóc sẽ được cung cấp thông tin và tư vấn rất kỹ lưỡng về tình trạng bệnh tật của mình, từ đó giúp họ nhận thức được tầm quan trọng của việc khám, phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh lý glôcôm, đặc biệt là việc tuân thủ điều trị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn