MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa

Bệnh ho gà gia tăng, nhiều trường hợp biến chứng nặng

T.Linh LDO | 06/03/2017 11:46
Theo PGS - BS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, ba tháng gần đây, số mắc ho gà vào Bệnh viện Nhi Trung ương có xu hướng tăng, trong đó có nhiều trẻ rất nhỏ. Hầu hết các trẻ mắc ho gà đều chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều.

Gần đây, Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Nhi Trung ương đã liên tục tiếp nhận các trẻ bị biến chứng nặng do ho gà vào nhập viện. Hầu hết các trẻ mắc ho gà đều chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều. Các bác sĩ cũng cho biết, đáng lưu ý, ghi nhận các trẻ mắc ho gà còn rất nhỏ (dưới 2 tháng tuổi), trước thời điểm có chỉ định tiêm vắc xin (theo chỉ định, trẻ tiêm vắc xin ho gà mũi 1 lúc đủ hai tháng tuổi). Trong khi đó, trẻ dưới sáu tháng tuổi mắc ho gà dễ bị biến chứng nặng.

Theo PGS - BS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, ba tháng gần đây, số mắc ho gà vào Bệnh viện Nhi Trung ương có xu hướng tăng, trong đó có nhiều trẻ rất nhỏ. Thống kê trong 2015 cho thấy có 56,5% trẻ mắc ho gà dưới ba tháng tuổi. Đây là nhóm trẻ có nguy cơ biến chứng nặng rất cao. Riêng từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 39 ca ho gà nhập viện tại bệnh viện này (cùng kỳ 2016 có 12 ca; cùng kỳ 2015 có 10 ca). Trong số nhập viện, một số trẻ rất nặng phải thở máy, nguy cơ tử vong rất cao.

BS Trần Minh Điển cũng lưu ý, thời tiết miền Bắc hiện là thời điểm có xu hướng tăng các ca mắc ho gà, do đó các cha mẹ cần đưa bé đi khám khi thấy bé bị ho để được chẩn đoán đúng. Đặc biệt lưu ý với trẻ nhỏ 1 - 3 tháng tuổi vì ho gà ở các bé mới sinh không dễ dàng phát hiện và dễ gây biến chứng nặng. Phụ huynh không nên qua lo lắng nhưng cũng không nên chủ quan vì ngay cả khi bé chỉ được chăm sóc tại nhà cũng vẫn có thể lây vi khuẩn ho gà từ thành viên trong gia đình (người lớn có thể mang vi khuẩn nhưng không có biểu hiện bệnh).

Khuyến cáo của Bộ Y tế:

Để phòng chống bệnh ho gà, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà (vắc xin phối hợp phòng bệnh Bạch hầu, ho gà, uốn ván –DTP hoặc  vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, virus viêm gan B và Haemophilus influenzae type b - Quinvaxem) đầy đủ, đúng lịch. 

Đồng thời, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà, phụ huynh cần cho trẻ nghỉ học, cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

 

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn