MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Áp xe cạnh hậu môn là một bệnh lý nguy hiểm, không thể chủ quan. Đồ họa: Hương Giang

Bệnh nhân bị áp xe cạnh hậu môn nặng vì điều trị không triệt để

Hương Giang LDO | 12/10/2023 20:48

Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận 1 trường hợp người bệnh nhập viện bị áp xe cạnh hậu môn, đã chữa trị nhưng không triệt để, khiến tình trạng bệnh càng nặng hơn.

Áp xe quanh hậu môn là tình trạng nhiễm trùng tổ chức mô liên kết hoặc các tuyến dẫn đến hình thành ổ áp xe quanh hậu môn. Các ổ áp xe có thể xuất hiện ở nhiều vị trí quanh hậu môn.

Với sự xuất hiện của ổ áp xe gây nên triệu chứng tại chỗ là sưng nóng đỏ đau, đi đại tiện khó. Các ổ áp xe quanh hậu môn sẽ hoá mủ theo thời gian và vỡ thông với bên ngoài hoặc thông vào trong ống hậu môn.

Trước khi nhập viện 10 ngày, người bệnh xuất hiện đau nhiều, sưng nóng vùng cạnh hậu môn nên đã đến 1 phòng khám tư để trích rạch ổ áp xe.

Tuy nhiên, khi về nhà người bệnh không thấy đỡ, chỗ vết chích rạch đau rát và chảy mủ nhiều hơn nên đã đến khám tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Tại Khoa Ngoại – Trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao, người bệnh đã được thăm khám và xác định chỗ áp xe cạnh hậu môn tại vị trí 3 giờ có lỗ chảy mủ, kích thước 3-4cm, mật độ chắc, ấn đau tức. Sau khi hội chẩn, bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật trích rạch, làm sạch ổ áp xe, lấy mủ làm kháng sinh đồ để từ đó có cơ sở dùng kháng sinh.

Sau phẫu thuật 3 ngày, người bệnh đã đỡ đau, ổ áp xe được dẫn lưu hoàn toàn, dự kiến sau 7-10 ngày người bệnh sẽ được ra viện.

Nguyên nhân gây áp xe

Thói quen vệ sinh vùng kín không sạch sẽ là nguyên nhân gây ra tình trạng viêm nhiễm, dẫn đến tích tụ nhiều vi khuẩn gây bệnh. Khi trường hợp này để kéo dài khiến cho quá trình viêm xảy ra, hình thành các ổ áp xe quanh hậu môn.

Các bệnh lý vùng hậu môn như nứt kẽ hậu môn, rò hậu môn, bệnh trĩ là các bệnh nguyên thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập vào tổ chức kẽ từ đó gây áp xe quanh hậu môn.

Sức đề kháng cơ thể kém do bị suy nhược, suy giảm miễn dịch, thiếu máu, suy dinh dưỡng, mắc bệnh tiểu đường khiến cho hệ miễn dịch bị suy giảm dẫn đến nguy cơ bị áp xe quanh hậu môn.

Ảnh hưởng do các tổn thương sau tiểu phẫu các bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn, nữ giới cắt tầng sinh môn khi sinh, vô trùng không tốt tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập, từ đó gây áp xe quanh hậu môn.

Do các nguyên nhân khác như tác dụng phụ của một số thuốc, môi trường lao động nặng, bị các dị vật ở hậu môn nhưng chữa trị không đúng cách cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh áp xe quanh hậu môn.

Áp xe quanh hậu môn là một bệnh lý không thể chủ quan, khi có những dấu hiệu đau bất thường nên đến các cơ sở y tế uy tín để khám và điều trị, tránh để lại hậu quả nghiêm trọng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn