MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh nhân mắc tiểu đường biến chứng nặng. Ảnh: BSCC

Bệnh nhân biến chứng tiểu đường nặng nhưng chỉ nghĩ bị zona

HƯƠNG SƠN LDO | 21/01/2024 15:37

TPHCM - Các bệnh lý ngoài da xuất hiện khá phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, không ít người có các biểu hiện bệnh lý da nặng nhưng nguyên nhân xuất phát từ biến chứng tiểu đường. Các trường hợp này nếu không can thiệp kịp thời thì mức độ tổn thương và biến chứng sẽ nặng hơn.

Bệnh nhân P.V.M (63 tuổi, TPHCM) cơ thể nổi rất nhiều mụn nước ở bả vai, cổ, gáy, trước ngực, gây ngứa rát, đau nhức. Lo lắng cho tình trạng sức khỏe của mình, ông M. đã đi khám tại phòng khám gần nhà, được chẩn đoán zona, uống thuốc kháng sinh, bôi thuốc ngoài da.

Tuy nhiên, thời gian sau, tình trạng bệnh không cải thiện, ông M tiếp tục mua thuốc lá cây về đắp thì vết thương mưng mủ, lở loét và đau nhiều hơn.

Ông M nhanh chóng nhập viện trong tình trạng vùng cổ gáy và bả vai trái sưng nề, hoại tử, bốc mùi hôi tanh, nổi nhiều mụn mủ. Ông M đau nhiều, mệt mỏi, li bì, ăn uống kém, không thể đi lại, mất ngủ về đêm.

Các bác sĩ chẩn đoán ban đầu phát hiện bệnh nhân bị tiểu đường, mức đường huyết cao gấp 5-6 lần người bình thường.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Đình Mạnh Long - Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM - cho biết, do tình trạng của ông M kéo dài lâu, vết thương nhiễm trùng nặng nên có nguy cơ rơi vào nhiễm toan ceton, sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan, thậm chí tử vong.

Các bác sĩ nhanh chóng sử dụng insulin truyền tĩnh mạch và thuốc kháng sinh kết hợp nhằm kiểm soát đường huyết cho ông M.

Sau 3 ngày điều trị, tình trạng nhiễm trùng được kiểm soát, mức đường huyết ổn định, nên ông M cảm thấy khỏe hơn nhiều, vết thương giảm đau nhức, thoát khỏi nguy kịch. Ông tiếp tục được rạch tháo mủ từ ổ áp xe, cắt lọc da, mô hoại tử, làm sạch vết thương.

“Không ngờ chỉ bị zona bình thường, nhưng có thêm bệnh tiểu đường lại gây vấn đề nghiêm trọng như vậy”, ông M chia sẻ.

Cũng theo BS Trần Đình Mạnh Long, tình trạng đường huyết cao lâu ngày thường gây suy giảm chức năng miễn dịch của cơ thể. Người bệnh tiểu đường không kiểm soát tốt đường huyết sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây nhiễm trùng lan rộng, sốc nhiễm trùng, suy đa tạng và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Ngược lại, nhiễm trùng là một tình trạng bệnh cấp tính. Khi bị nhiễm trùng nặng, cơ thể sẽ có các cơ chế phản ứng lại gây tăng đường huyết. Do đó có thể nói, nhiễm trùng và tăng đường huyết tác động qua lại như một vòng tuần hoàn, nếu không kiểm soát tốt cả hai yếu tố thì sẽ làm tăng khả năng thất bại trong điều trị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn