MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh nhân cấp cứu tại BV Việt Đức ngày mùng 5 Tết

Bệnh nhân ngộ độc thuốc diệt cỏ paraquat tăng đột biến trong dịp Tết Mậu Tuất

L.Hà LDO | 21/02/2018 07:05

Các bệnh viện trong những ngày nghỉ tết vừa qua quá tải người nhập viện cấp cứu do nhiều nguyên nhân, trong đó uống rượu, đánh nhau chiếm đa số.

Tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) Bạch Mai, Hà Nội, TS Lương Quốc Chính cho biết, thống kê mỗi tua trực 8 - 12 giờ có tới 34 nhân viên y tế làm việc và tổng số bệnh nhân được khám, xử trí cấp cứu và hồi sức nội khoa (không có ngoại khoa) trong 6 ngày nghỉ tết lên tới gần 700 người.

Đặc biệt, trong 5 ngày tết, BV Bạch Mai cấp cứu 13 trường hợp ngộ độc thuốc diệt cỏ paraquat - loại chất kịch độc gần như chưa có cách điều trị.

TS Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, trong những ngày tết vừa qua, trong 37 chuyển đến cấp cứu thì có tới 13 trường hợp ngộ độc thuốc diệt cỏ cháy paraquat, trong khi số ca cấp cứu do ngộ độc rượu chỉ còn 5 ca. Cao điểm, có ngày có tới 3 ca nhập viện vì chất diệt cỏ nguy hiểm này. Đây là con số tăng đột biến so với dịp tết năm 2017.

 Các bác sĩ BV Việt Đức quay cuồng trong những ngày nghỉ tết vừa qua.

Tại BV Việt Đức, Hà Nội, BS Vũ Văn Hà, Khoa Phẫu thuật Tiết niệu, trực ngày mùng 5 Tết cho biết, với đặc thù là cơ sở ngoại khoa tuyến cuối, BV là nơi tập trung các ca nặng do tai nạn giao thông. Trong những ngày tết, số bệnh nhân vào cấp cứu cao hơn ngày thường, chủ yếu là tai nạn giao thông, khoảng 60% có cồn trong máu.

Trong ngày mùng 1 Tết, số người vào cấp cứu có xu hướng giảm với 76 ca tai nạn giao thông, tuy nhiên sau đó con số này tăng dần. Ngày 2 Tết có 128 ca cấp cứu do tai nạn giao thông; ngày mùng 3 Tết là 126 với 92 ca chấn thương sọ não; ngày mùng 4 Tết là 119 ca tai nạn giao thông và 56 trường hợp chấn thương sọ não.

BV đã huy động tối đa y bác sĩ, thiết bị điều trị để mỗi ngày phẫu thuật khoảng 40 bệnh nhân chấn thương nặng. Các kíp trực phân loại bệnh nhân để chuyển bớt những người bị chấn thương nhẹ đến các bệnh viện khác, tránh tình trạng quá tải bệnh nhân.

Theo các bác sĩ, theo dõi bệnh nhân có rượu khó khăn hơn rất nhiều so với bệnh nhân không có nồng độ cồn trong máu cao, không uống rượu. Khi nhập viện, bệnh nhân uống rượu rất kích thích, tri giác không tỉnh như bình thường. Bác sĩ khó xác định tình trạng bệnh nhân là do rượu hay do các tổn thương sọ não.

Theo báo cáo của Bộ Y tế tính đến hết ngày mùng 5 Tết, trong 5 ngày Tết Mậu Tuất, tổng số khám, cấp cứu tại các cơ sở y tế trên cả nước do tai nạn giao thông là 37.376 trường hợp, không tăng so với 6 ngày Tết Đinh Dậu năm 2017.

Tổng số ca đến cấp cứu do đánh nhau đến khám là 4.184 trường hợp, giảm -19,2% so với 6 ngày Tết Đinh Dậu năm 2017, nhưng số ca phải nhập viện điều trị nội trú là 2.773 trường hợp, tăng 14,6 so với 6 ngày Tết Đinh Dậu năm 2017. Có 13 trường hợp tử vong, bằng ½ so với 27 ca trong 6 ngày Tết Đinh dậu 2017.

Tổng số ca khám rối loạn tiêu hoá là 3.075 trường hợp, trong đó 810 trường hợp là ngộ độc (say) rượu (chiếm  26,3%), ghi nhận 468 trường hợp do ngộ độc thức ăn tự chế biến, chưa phát hiện vụ ngộ độc thực phẩm. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn