MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bệnh nhân vàng da, tắc mật phẫu thuật không đau nhờ phương pháp này

NGUYỄN LY LDO | 15/02/2022 09:49

Người bệnh mắc ung thư đầu tuỵ sẽ gây tắc ống mật chủ, tắc nghẽn tá tràng khiến bệnh nhân không thể ăn uống được, suy kiệt, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong. 

Bệnh viện Nguyễn Trãi (TPHCM) cho biết, bệnh viện tiếp nhận trường hợp bệnh nhân bà A.M (67 tuổi) nhập viện trong tình trạng đau quặn vùng thượng vị, không ăn uống được và thường xuyên nôn sau ăn, tình trạng diễn tiến tăng dần trong 2 tuần nay.

Người bệnh mắc ung thư đầu tụy được đặt stent. Ảnh: BVCC

Khai thác bệnh sử, 5 ngày trước khi nhập viện bệnh nhân không đi cầu được. Bệnh nhân được chẩn đoán u đầu tụy gây tắc ống mật. Kết quả nội soi dạ dày cho thấy khối từ ngoài đè vào tá tràng làm hẹp lòng ruột, khiến máy soi không qua được. Kết hợp với CT scan bụng và X-quang dạ dày cản quang, bác sĩ đánh giá khối u đầu tụy đã xâm lấn gây hẹp 1 đoạn tá tràng.

Sau khi hội chẩn chuyên khoa Ngoại và Nội soi, ekip điều trị tiến hành đặt stent kim loại tá tràng dài 9cm, đường kính 22mm. Sau can thiệp vài ngày, bệnh nhân hết đau bụng, hết ói, ăn được thức ăn mềm và hiện đã được xuất viện.

BS Nguyễn Đức Thông, Trưởng khoa Nội soi, Bệnh viện Nguyễn Trãi cho biết, u đầu tụy thường là u ác tính. Điều nguy hiểm là bệnh thường diễn tiến âm thầm, đa số phát hiện ở giai đoạn muộn nên tỉ lệ chữa lành bệnh rất thấp. U thường xâm lấn ra xung quanh như ống mật chủ gây tắc mật và/hoặc u xâm lấn gây tắc nghẽn tá tràng, di căn… làm bệnh nhân không ăn uống được dẫn đến suy kiệt.

Với bệnh nhân ung thư đầu tụy, phẫu thuật cắt khối tá tụy (phẫu thuật Whipple) là phương pháp điều trị triệt để. Tuy nhiên, đây là một phẫu thuật lớn, không thực hiện được ở bệnh nhân giai đoạn muộn hoặc bệnh nhân lớn tuổi, tổng trạng kém.

Ngày nay, với những tiến bộ trong nội soi can thiệp kết hợp với hóa trị liệu giúp kéo dài và cải thiện chất lượng sống đáng kể ở những bệnh nhân không có chỉ định phẫu thuật. Đối với tình trạng tắc nghẽn đường mật, bệnh nhân có thể được can thiệp bằng đặt stent đường mật (thường stent kim loại) qua nội soi mật tụy ngược dòng. Còn đối với tắc nghẽn tá tràng, bác sĩ thường thực hiện phẫu thuật nối vị - tràng cho bệnh nhân.

Với trường hợp bệnh nhân già yếu, suy kiệt hoặc không muốn phẫu thuật, stent kim loại tá tràng cũng là 1 lựa chọn giúp giải quyết các triệu chứng tắc nghẽn tá tràng của bệnh nhân, giúp bệnh nhân có thể ăn uống lại được, cài thiện chất lượng sống. Trong kỹ thuật này, bác sĩ có thể thực hiện dưới hướng dẫn của màn hình huỳnh quang hoặc kết hợp màn hình hình quang và nội soi, để luồn 1 dây dẫn từ dạ dày qua đoạn hẹp xuống đoạn tá tràng bình thường. Sau đó, stent được luồn theo dây dẫn và bung ra tạo thành giá đỡ, giúp u không đè xẹp lòng ruột, tái lập lại sự lưu thông của ống tiêu hóa.

“Vì bệnh ung thư tụy diễn tiến âm thầm, người dân nên đến bệnh viện để bác sĩ chuyên khoa tư vấn thực hiện tầm soát sức khỏe định kỳ, nhất là ở các bệnh nhân trên 50 tuổi và có yếu tố nguy cơ như tiền sử gia đình bị ung thư tụy, hút thuốc lá, nghiện rượu, viêm tụy mạn, béo phì, đái tháo đường,… ngay cả khi chưa có triệu chứng” – BS Thông khuyến cáo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn