MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh nhi nhập viện để điều trị bệnh sởi. Ảnh: Nguyễn Ly

Bệnh sởi gia tăng, triển khai chiến dịch tiêm vaccine

hà Lê LDO | 23/08/2024 16:24

Việt Nam đã ghi nhận hơn 2.000 ca mắc sởi, trong đó tại TPHCM ghi nhận hơn 500 ca mắc.

TS.BS Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, cuối năm 2023, WHO đã phát đi thông báo về nhiều nước trên thế giới có số ca mắc sởi gia tăng và cảnh báo Việt Nam về dịch sởi có thể bùng phát. Ngay từ đầu năm 2024, Bộ Y tế đã có kế hoạch tiêm bù, tiêm vét các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có sởi.

Tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã ghi nhận hơn 2.000 ca mắc, trong đó tại TPHCM ghi nhận hơn 500 ca mắc, 3 trường hợp tử vong.

Cũng theo TS.BS Hoàng Minh Đức, mùa tựu trường đang đến gần, nguy cơ mắc sởi, lây truyền bệnh là rất lớn, tử vong nằm ở nhóm trẻ chưa được tiêm chủng. Vì vậy, Bộ Y tế phối hợp với WHO và UNICEF tổ chức chiến dịch tiêm chủng sởi nhằm bao phủ vaccine cho trẻ, phòng tránh nguy cơ mắc bệnh và chuyển nặng.

Chiến dịch tiêm chủng sởi khác với kế hoạch tiêm bù, tiêm vét đã được thực hiện là đối tượng tiêm chủng được mở rộng. Trước đây chỉ tiêm cho trẻ 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi. Trong chiến dịch thêm này đối tượng tiêm chủng là trẻ từ 1 đến 10 tuổi, trừ những trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Bộ Y tế sẽ tiến hành tiêm vaccine sởi - rubella miễn phí cho các đối tượng này.

TPHCM mặc dù có số ca mắc cao nhưng ngay từ đầu đã chuẩn bị rất tốt, có kế hoạch tiêm chủng vaccine sởi để chuẩn bị cho đợt dịch này. Đối với việc công bố dịch, sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố chính đó là theo quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm và khả năng đáp ứng của địa phương.

Bệnh sởi rất dễ lây nên dễ bùng phát thành dịch. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, như viêm phổi nặng, viêm não - màng não, thậm chí là tử vong. Đối với phụ nữ đang mang thai, có thể gây sảy thai, sinh non hoặc dị dạng thai nhi, mù lòa ở trẻ sơ sinh.

Phần lớn mọi người chỉ mắc bệnh sởi một lần trong đời. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng bị sởi rồi thì chắc chắn sẽ không bị lại. Miễn dịch cơ thể đối với virus sởi có thể suy giảm sau 20 năm. Người đã từng mắc sởi từ hồi bé vẫn có khả năng mắc lại khi miễn dịch của cơ thể đối với virus sởi suy yếu.

Tiêm vaccine sởi là biện pháp an toàn và hiệu quả nhằm phòng tránh bệnh sởi cũng như hạn chế nguy cơ gặp biến chứng nguy hiểm. Tất cả những người chưa có miễn dịch đối với virus sởi đều có nguy cơ mắc bệnh, do đó cần tiêm vaccine sởi để tạo miễn dịch chủ động, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ cao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn