MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bệnh tăng huyết áp: Điều cần biết, việc cần lưu ý

SÔNG HÀN LDO | 01/07/2024 17:05

Bệnh tăng huyết áp là bệnh lý khá phổ biến có thể gặp ở mọi đối tượng, nếu không được kiểm soát tốt bệnh có thể tiến triển gây biến chứng nguy hiểm. Do đó, chúng ta cần biết những nguy cơ và lưu ý cần thiết để tránh được căn bệnh này.

Bệnh nhân có bệnh lý tăng huyết áp được kiểm tra các chỉ số sức khỏe bằng máy "đánh giá yếu tố nguy cơ tim mạch và thận" tại Bệnh viện 199 Bộ Công an. Ảnh: Sông Hàn

Theo TS.BS Trần Bá Thoại, Ủy viên BCH Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam, Cố vấn chuyên môn Bệnh viện 199 (Bộ Công an), huyết áp được xác định dựa trên 2 chỉ số (huyết áp tâm thu/huyết áp tâm trương). Tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg.

Phần lớn tăng huyết áp ở người trưởng thành là không rõ nguyên nhân (tăng huyết áp nguyên phát, vô căn), chỉ có khoảng 10% các trường hợp là có nguyên nhân (tăng huyết áp thứ phát).

Những yếu tố nguy cơ

Theo chuyên gia, tăng huyết áp là bệnh lý tim mạch nguy hiểm được xem như “kẻ giết người thầm lặng”, là nguyên nhân chủ yếu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim và các bệnh tim mạch này đang là nguyên nhân tử vong số một tại Việt Nam. Các yếu tố nguy cơ tăng huyết áp là:

Tuổi tác, nhất là ở người từ 45 tuổi trở lên.

Thừa cân béo phì.

Sử dụng rượu bia, thuốc lá làm tăng huyết áp và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch do tăng huyết áp.

Ăn nhiều muối, ít rau quả.

Ít hoạt động thể lực.

Căng thẳng tâm lý.

Mắc các bệnh mạn tính như bệnh thận, đái tháo đường…

Nguy cơ tăng huyết áp gia tăng nếu trong gia đình đã có người bị tăng huyết áp.

4 điều lưu ý

Một là: Thay đổi lối sống

Hạn chế uống rượu, bia và các thức uống có cồn khác.

Bỏ hút thuốc.

Thường xuyên tập thể dục, ít nhất 30 phút mỗi ngày.

Tập thư giãn và giảm tối đa stress.

Ngủ đủ giấc, ngủ trưa khi cần thiết.

Cố gắng duy trì cân nặng ở mức lý tưởng.

Hai là: Chế độ dinh dưỡng

Cần ăn nhiều trái cây và rau củ.

Nên ăn các chất béo chưa bão hòa có nhiều trong cá, các loại hạt, dầu ô liu, dầu hạt vải và quả bơ. Hạn chế muối và chất béo đã bão hòa như thịt, sữa, lòng đỏ trứng, sữa nguyên kem, da động vật, phủ tạng động vật.

Kiểm tra nhãn thực phẩm khi đi mua sắm, hạn chế thức ăn nhanh và các món chiên xào.

Lượng muối ăn hàng ngày nên hạn chế dưới 2,4g (khoảng 1/2 muỗng cà phê). Thực hiện bằng cách không nêm mặn khi nấu, hạn chế chấm thêm nước mắm, muối, nước tương khi ăn…

Ba là: Tuân thủ điều trị

Tăng huyết áp không thể khỏi hoàn toàn, mà cần điều trị lâu dài có thể đến suốt đời. Do đó, phải tuân thủ dùng thuốc mỗi ngày theo hướng dẫn của bác sĩ, ngay cả khi cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh.

Không tự ý đổi liều hay ngưng dùng thuốc, ngưng đột ngột có thể gây tăng huyết áp mức nguy hiểm.

Tập thói quen dùng thuốc vào thời gian cố định. Khi lỡ quên dùng một liều thuốc, không được dùng liều gấp đôi ở lần tiếp theo.

Bốn là: Thăm khám định kỳ

Huyết áp tăng cao có thể gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể, ngoài ra những vấn đề sức khỏe thường tiến triển âm thầm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Vì vậy người bệnh cần chủ động theo dõi sức khỏe định kỳ thường xuyên bằng cách thăm khám 3-6 tháng 1 lần hoặc theo lịch hẹn của bác sĩ để được kiểm tra huyết áp và theo dõi tình hình sức khỏe.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn