MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bệnh tật bủa vây khi ăn uống quá nhiều đồ ngọt

Phùng Nhung LDO | 10/03/2023 07:00

Các món ăn, đồ uống chứa nhiều đường, có vị ngọt luôn mang sức hấp dẫn lớn với giới trẻ. Nhưng khi sử dụng đồ ngọt trong thời gian không có kiểm soát sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ.

Ăn đồ ngọt bất chấp

Hoài Trang (23 tuổi, Hà Nội) phát hiện bản thân bị nghiện đường khi phụ thuộc quá nhiều vào đồ ngọt. Mỗi khi tâm trạng mệt mỏi, căng thẳng, Trang thường tìm đến đồ ngọt như một cách để cân bằng cảm xúc.

“Hồi còn là sinh viên ngày nào đi học em cũng uống trà sữa, ăn bánh ngọt, ăn chè… Em không thể cưỡng lại được sự ngọt ngào của đồ ăn. Trong giờ học, nếu thèm đồ ngọt, em sẽ lập tức xin phép thầy ra căng-tin mua nước ngọt để uống. Mọi người thường trêu chọc em rằng “sao lần nào gặp cũng thấy đang ăn vậy?” – Trang kể lại.

Sử dụng đồ ngọt thường xuyên nhưng Trang không bị tăng cân, chỉ tích tụ mỡ ở bụng và vùng da cơ thể không săn chắc. Khi mang thai con đầu lòng, thói quen này không thay đổi, cơn nghén cộng thêm tâm lý nhạy cảm khiến Trang ăn nhiều đồ ngọt hơn. 

Mọi việc trở nên nghiêm trọng khi Trang mắc tiểu đường thai kỳ, ảnh hưởng tới sức khỏe mẹ và bé. Trang ý thức được bản thân cần điều chỉnh lại chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học hơn. Trang gặp bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn thực đơn ăn uống. Quá trình cai đường hiện đang rất khó khăn.

Nhiều người trẻ nghiện đồ ngọt, uống nước ngọt mọi lúc mọi nơi. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Còn Thanh Hoa (21 tuổi, Vĩnh Phúc) gặp tình trạng thừa cân khi sử dụng đồ ngọt quá nhiều. Bản thân Hoa hiểu rõ tác hại nhưng để ngừng sử dụng là điều rất khó khăn.

Thời điểm Hoa nặng 70kg, cô nàng quyết tâm bỏ đồ ngọt. Hoa chỉ ăn rau và các loại trái cây, không sử dụng tinh bột. Tuy nhiên, sự kiên trì này chỉ kéo dài được một tuần, như một người bị bỏ đói, Hoa ăn nhiều hơn để bù cho những ngày ăn kiêng. Kết quả không bỏ được đồ ngọt, ngược lại cân nặng còn tăng hơn mức ban đầu.

Gây hại cho sức khỏe

Trao đổi với Lao Động về vấn đề trên, bác sĩ Lê Anh Tuấn - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá cho biết, sử dụng đường quá nhiều sẽ gây tác hại xấu cho sức khỏe. Đặc biệt là đường fructose có trong các loại nước ngọt, bánh kẹo, trà sữa… sẽ làm tăng cảm giác đói và thèm ăn, dẫn đến tăng cân, béo phì.

Việc tiêu thụ nhiều đường dẫn đến tình trạng kháng insulin khiến lượng đường trong máu tăng lên và làm tăng nguy cơ bị đái tháo đường. Bên cạnh đó, ăn nhiều thực phẩm có đường trong thời gian dài sẽ gây ra các vấn đề về tim mạch như đau tim, xơ vữa động mạch, quá tải gan tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ... Những bệnh mắc phải sẽ là yếu tố xấu dẫn đến nguy cơ bị ung thư.

Trước những tác hại của việc sử dụng quá nhiều đồ ngọt, bác sĩ Tuấn đưa ra lời khuyên - cần có chế độ ăn uống lành mạnh, đảm bảo nhu cầu năng lượng cần thiết của cơ thể. 

“Không dừng đột ngột việc sử dụng đường mà nên cắt giảm một cách từ từ. Giảm thèm ngọt bằng cách điều chỉnh đồ ăn với lượng đường ít dần. Thay thế bánh kẹo, nước ngọt... bằng các loại rau củ, trái cây có vị ngọt nhẹ.

Thay thế đồ uống ngọt bằng nước lọc. Cảm giác thèm ăn cũng có thể do trạng thái thừa axit trong cơ thể gây ra, vì vậy việc tập luyện thể thao sẽ giúp lưu thông máu và giảm cảm giác thèm ăn đồ ngọt” - bác sĩ Tuấn đưa ra lời khuyên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn