MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bệnh tay chân miệng ở Vĩnh Long chỉ 2 tháng bằng cả năm 2022

HOÀNG LỘC LDO | 17/08/2023 17:39

Tình hình bệnh tay, chân, miệng ở tỉnh Vĩnh Long từ ngày 1 – 16.8 là 41 ca tăng 21 ca so với cùng kỳ 2022, thuốc Gamma globulin (IVIG) đang hiếm nên được chỉ định sử dụng chặt chẽ.

Nguồn bệnh có thể bị lây từ bé khác

Khi phát hiện cháu L.N.H.G (18 tháng tuổi ở, ấp Thiền Long 1, xã Hòa Tịnh, huyện Mang Thít) có các biểu hiện, nóng sốt, khó thở, thường xuyên giật mình, gia đình chị Lê Thị Mỹ Tiên đã đưa cháu G đến bác sĩ tư trên địa bàn TP Vĩnh Long điều trị nhưng không có dấu hiệu giảm.

Chị Mỹ Tiên cho biết, đưa bé đi điều trị bên ngoài, không hết mà có dấu hiệu trở nặng, nên gia đình đã nhanh chóng đưa bé đến Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Vĩnh Long thăm khám điều trị, từ trưa ngày 15 đến hôm nay 17.8 cháu đã khỏe nhiều.

“Trước khi cháu bệnh gia đình cũng thực hiện vệ sinh nhà cửa, các dụng cụ đồ chơi, chế độ ăn chín, uống sôi nhưng có thể nguồn bệnh bị lây từ người cháu gần nhà, có vui chơi cùng nhau đã phát hiện bệnh tay, chân, miệng”, chị Tiên cho biết thêm.

Tổng số ca bệnh tay, chân, miệng ở tỉnh Vĩnh Long trong 8 tháng đầu năm 2023 là 187 ca. Ảnh: Hoàng Lộc

Cũng với hoàn cảnh nghi bệnh tay chân miệng của con mình bị lây từ cháu bé hàng xóm, chị Châu Thiên Thọ (khu nhà ở Hoàn Hảo, huyện Long Hồ, Vĩnh Long), đã nhanh chóng đưa con là C.T.H (20 tháng tuổi) đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long điều trị từ ngày 16.8.

“Khi gia đình phát hiện cháu khó ngủ, hay giật mình, miệng nổi nhiều hạt đỏ gia đình đưa vào bệnh viện thì được bác sĩ khám, phát thuốc uống giảm rất nhanh, hiện cháu đang khỏe, chờ ngày xuất viên”, chị Thọ cho biết thêm.

Thuốc Gamma globulin đã được đặt mua

Ngày 17.6, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, BS.CKII Trần Chí Công – Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long thông tin, từ đầu năm 2023 đến nay bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho 187 ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 3 -5% ca mắc mức độ nặng.

This browser does not support the video element.

BS.CKII Trần Chí Công - Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long - thông tin về các vấn đề sử dụng thuốc Gamma globulin (IVIG). Video: Hoàng Lộc

Theo bác sĩ Công, lượng bệnh đã tăng từ đầu tháng 7.2023 đến nay, dự đoán chỉ trong tháng 7 – 8.2023 số ca mắc bệnh tay, chân, miệng có thể bằng hoặc cao hơn so với tổng số ca mắc bệnh của cả năm 2022 là 187 ca.

Theo dự đoán của các chuyên gia, số ca bệnh tay chân miệng vào tháng 9 – 10 năm nay có khả năng cao hơn lúc đỉnh điểm của dịch vào năm 2011 – 2012, ông Công cho biết thêm.

“Đối với bệnh nhân tay chân miệng mức độ nhẹ (độ 1) thì có thể sử dụng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau thông thường để điều trị tại nhà. Đối với bệnh nhân tay chân miệng độ 2a trở lên, có dấu hiệu giật mình, sốt trên 39 độ, nôn nhiều, lừ đừ, quấy khóc vô cớ, đi loạng choạng, yếu liệt chi, phù phổi cấp, tím tái… thì bắt buộc nhập viện để điều trị”, bác sĩ Công chia sẻ.

Bác sĩ Công cũng thông tin thêm, nếu như trước đây sử dụng thuốc Gamma globulin (IVIG), theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế cho bệnh nhân từ độ 2b nhóm 2 trở lên, thì hiện nay lượng thuốc đang “hiếm” nên những bệnh nhân này cần theo dõi sát hô hấp, toàn hoàn, thần kinh phát hiện có dấu hiệu chuyển độ 3 thì cho chỉ định IVIG. Riêng thuốc điều trị hỗ trợ khác như Milrinol, Dobutamin, phenobarbital... đảm bảo đầy đủ.

“Hiện tại, Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long đã liên hệ những công ty nhập khẩu đặt hàng mua thuốc Gamma globulin (IVIG) để đảm bảo có đủ lượng thuốc điều trị trong thời gian sắp tới”, bác sĩ Công cho biết thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn