MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bệnh "vi khuẩn ăn thịt người" ở Đắk Lắk nguy hiểm như thế nào?

DIỆU HUYỀN (T/H) LDO | 09/06/2022 09:43

Một trường hợp bệnh nhân nhi 9 tuổi vừa nhập viện với nhiều triệu chứng của bệnh Whitmore, được biết đến với cái tên khác là "vi khuẩn ăn thịt người".

Theo báo cáo nhanh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đắk Lắk, trường hợp mắc bệnh Whitmore là bệnh nhi N.T.V (SN 2013, ngụ xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk). 

Mẹ của bệnh nhi 9 tuổi cho biết bệnh khởi phát cách ngày nhập viện khoảng 10 ngày với triệu chứng sốt cao, kèm sưng, đau vùng mang tai 2 bên. Ở nhà đã đi khám tại phòng khám tư nhân, uống thuốc 3 ngày nhưng không thuyên giảm.

Bệnh nhi nhập viện Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên ngày 4.6, sau 3 ngày thì được chuẩn đoán dương tính với vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei. Ảnh minh họa: vncdc.gov

Bệnh Melioidosis hay còn được gọi là bệnh Whitmore, đây là bệnh truyền nhiễm có thể lây nhiễm cho người hoặc động vật. Nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei tồn tại trong nước và đất bị ô nhiễm. Bệnh này thường xuất hiện ở các nước khí hậu nhiệt đới, đặc biệt là ở Đông Nam Á và miền bắc Australia.

Bất kỳ ai đều có thể bị nhiễm Melioidosis thông qua tiếp xúc trực tiếp với đất và nước mặt bị ô nhiễm. Con người và động vật khi hít phải bụi bẩn hoặc giọt nước bị nhiễm bẩn, uống phải nước và tiếp xúc với đất bị ô nhiễm, đặc biệt là qua các vết trầy xước trên da sẽ tăng khả năng bị "vi khuẩn ăn thịt người" tấn công.

Theo các chuyên gia y tế, đây là căn bệnh truyền nhiễm rất khó phát hiện do dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Một số loại Melioidosis khác nhau sẽ gây ra những các triệu chứng khác nhau. Trong đó, nhiễm trùng là dấu hiệu chung của bệnh Whitmore: 

Nhiễm trùng cục bộ: Đau hoặc sưng cục bộ; Sốt; Loét da; Áp xe.

Nhiễm trùng phổi: Ho; Đau ngực; Sốt cao; Đau đầu; Chán ăn.

Nhiễm trùng máu: Sốt; Đau đầu; Suy hô hấp; Khó chịu ở bụng; Đau khớp; Mất phương hướng.

Nhiễm trùng lan truyền: Sốt; Giảm cân; Đau dạ dày hoặc ngực; Đau cơ hoặc khớp; Đau đầu; Động kinh. 

Khoảng thời gian từ khi tiếp xúc vi khuẩn gây bệnh cho đến lúc xuất hiện các triệu chứng của bệnh không được xác định rõ ràng nhưng nhìn chung các triệu chứng thường xuất hiện sau 2 đến 4 tuần.

Bên cạnh đó, một số thể trạng người có bệnh nền sẽ dễ bị mắc phải vi khuẩn Melioidosis như người mắc bệnh tiểu đường, bệnh về gan, thận, người bị bệnh phổi mãn tính hay ung thư...

Tiếp xúc với đất, nước bị ô nhiễm tăng khả năng mắc bệnh Whitmore

Hiện nay, bệnh Whitmore chưa có vaccine phòng bệnh, tuy nhiên biện pháp điều trị cơ bản nhất vẫn là dùng kháng sinh đúng phác đồ điều trị và áp dụng các biện pháp phòng bệnh.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, có 7 cách để chủ động phòng bệnh "vi khuẩn ăn thịt người":

Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch: Trước và sau khi chế biến thức ăn; Sau khi đi vệ sinh; Sau khi làm vườn hay tiếp xúc với đất; Trước khi ăn.

Tuân thủ ăn chín uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không giết mổ gia súc, gia cầm bị bệnh bừa bãi.

Hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bẩn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng.

Sử dụng đồ bảo hộ như giày, dép, ủng và găng tay đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn.

Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc với nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc, cần sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.

Những người có bệnh mãn tính như tiểu đường, suy giảm miễn dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

Khi nghi ngờ nhiễm bệnh Whitmore cần đến các bệnh viện và cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn