MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các y, bác sỹ khám chữa bệnh cho bệnh nhân tại Bệnh viện 09. Ảnh: TV

Bệnh viện đặc biệt của những bệnh nhân nghiện ma túy và có "H"

VƯƠNG TRẦN LDO | 21/06/2017 09:25
Bên con đường 70 Tân Triều (Thanh Trì - Hà Nội) nhộn nhịp là nơi có một bệnh viện “đặc biệt” mang tên Bệnh viện 09. Đây là nơi chuyên điều trị cho những bệnh nhân “đặc biệt”: Những người nghiện ma túy, những bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối.  

Kì 1: Bệnh viện của những “bệnh nhân đặc biệt”

Phía sau cánh cổng Bệnh viện 09 là một không gian khác hẳn những bệnh viện khác: không có cảnh đông đúc ồn ào xếp hàng chờ khám, không xe cộ ra vào náo nhiệt. Nơi này chỉ có những bệnh nhân chịu cảnh cô đơn cho đến cuối đời, không có gia đình, người thân và sống trong sự lạnh lẽo, thiếu thốn tình thương.

Thiếu hơi ấm tình thân

Những bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện 09 đa số là người nghiện hút, nhiễm HIV chuyển từ các trại, trung tâm về; bên họ mỗi ngày chỉ những điều dưỡng, y bác sĩ lặng lẽ làm việc. Khi còn khoẻ đã đành, thậm chí lúc nhắm mắt xuôi tay, nhiều người không có người thân bên giường bệnh. Khi đó, bệnh viện là nơi lo cho họ hậu sự, ký hợp đồng với đơn vị mai táng và lo các thủ tục cần thiết.

Chia sẻ với PV Lao Động, Giám đốc Bệnh viện 09, ThS. BS. Trần Quốc Tuấn cho hay: “Bệnh viện là nơi thực hiện tiếp nhận chăm sóc và điều trị người bị nhiễm HIV/AIDS. Hiện nay, Bệnh viện có khoảng 100 giường bệnh, 8 khoa và 4 phòng chức năng. Từ năm 2015, Bệnh viện triển khai thêm cơ sở điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Ngoài nguồn ngân sách Nhà nước, bệnh viện không có bất cứ khoản phụ thu nào để trang trải, trong điều kiện cơ sở vật chất vẫn rất thiếu thốn, do đặc thù công việc nên mọi hoạt động đều khó khăn”.

BS Tuấn cũng chia sẻ, ông thực tâm mong muốn cộng đồng hãy nhìn nhận đúng mực về những người có H và cùng chung tay, góp sức giúp cho cuộc sống của người bệnh bớt đi đau đớn cũng như tuyên truyền để nâng cao nhận thức phòng, tránh căn bệnh thế kỷ này.

Chốn về bình yên

ThS.BS Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện 09 có thâm niên gắn bó hơn 20 năm với bệnh nhân nhiễm HIV, chia sẻ: “Mỗi bệnh nhân ở đây là một mảnh đời, số phận, hoàn cảnh khác nhau. Điểm chung của họ khi vào điều trị tại bệnh viện là đều phải chịu ánh nhìn kỳ thị, sự ghẻ lạnh, xa lánh của cộng đồng, thậm chí của chính người thân trong gia đình. Với nhiều người bệnh, bệnh viện chính là điểm dừng chân cuối cùng, là nơi nương tựa cuối đời...”.

Theo BS Hưng, do nghiện ma túy lâu ngày, nhiều người nhiễm HIV/AIDS nên tâm lý bệnh nhân chán nản, có người tỏ ra bất cần. Khá nhiều bệnh nhân không tuân thủ phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra; thậm chí có bệnh nhân bị rối loạn, lệch chuẩn hành vi, đảo ngược nhịp sinh học nên hay đập phá, biểu hiện bạo lực… “Cùng với việc trị bệnh bằng thuốc, các cán bộ y tế ở đây còn phải dành thời gian ổn định tâm lý, hướng dẫn người bệnh tự chăm sóc bản thân và tránh lây nhiễm cho cộng đồng” - BS Hưng chia sẻ.

Nằm co quắp trên giường bệnh với cơ thể gầy gò, nửa mái tóc che đi khuôn mặt khi trò chuyện, nữ bệnh nhân T. (quê Ba Vì, điều trị tại khoa Nội tổng hợp) thều thào không thành tiếng: “Tôi vào đây điều trị cũng đã được một thời gian. Nếu không vào đây tôi cũng chẳng biết có thể đi đâu được nữa. Ngay cả nhà tôi cũng không muốn về vì ở đó tôi chẳng có ai để trò chuyện, hàng xóm, láng giềng vẫn nhìn với ánh mắt đầy kỳ thị. Khi phát hiện ra bệnh tôi rất bi quan, vào đến viện tôi mới có cảm giác còn muốn sống. Những người thầy thuốc ở đây rất nhiệt tình, chu đáo và không hề “hắt hủi” chúng tôi”.

Hiện nay, chế độ ăn uống cho bệnh nhân tại bệnh viện cũng rất hạn chế, đến nay chỉ có 10 nghìn đồng/bệnh nhân/ngày. Thỉnh thoảng, đội ngũ y bác sĩ, cán bộ của bệnh viện lại quyên góp hỗ trợ bệnh nhân; ngoài ra bệnh viện phải kêu gọi, xin các nguồn tài trợ, các nhà hảo tâm nấu cháo từ thiện… để cải thiện bữa ăn và nâng cao dinh dưỡng cho bệnh nhân.

Công việc khó khăn vất vả, nguy cơ lây nhiễm cao trong quá trình thăm khám nhưng những y, bác sĩ nơi đây vẫn luôn tận tụy hết lòng với việc chăm sóc chữa trị cho bệnh nhân. Ở nơi nhiều người nghĩ chỉ còn bi quan, chán nản và cái chết, vẫn có ánh sáng lòng nhân ái bền bỉ sáng soi...

(Còn tiếp...)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn