MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
BS Lê Nguyên Khanh - GĐ BV Đa khoa Nông Cống (đứng) trong buổi làm việc với phóng viên sau cái chết của bệnh nhân Mạch Văn Hà.

Bệnh viện Nông Cống (Thanh Hóa): Chết người - đền tiền, hết trách nhiệm!

Xuân Hùng LDO | 29/03/2017 10:24
Thêm một tai nạn y khoa thương tâm xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nông Cống, Thanh Hóa. Thời gian gần đây, tại bệnh viện (BV) này để xảy ra 2 tai nạn y khoa khiến 1 bệnh nhân tử vong, 1 bệnh nhân bị cắt nhầm niệu quản. Cách giải quyết của BV này là: Chết người - đền tiền, hết trách nhiệm!
Bệnh nhân tử vong do sốc insulin

Làm việc với phóng viên chiều 28.3, ông Lê Nguyên Khanh - GĐ BV Đa khoa Nông Cống - xác nhận, ngày 17.3, anh Mạch Văn Hà (57 tuổi, trú xã Công Liêm, huyện Nông Cống) nhập viện do viêm dạ dày, viêm đa khớp dạng thấp. Được các bác sĩ thăm khám, chữa trị, đến ngày 27.3, bệnh nhân Hà đã giảm bệnh. Tuy nhiên, cơ thể bệnh nhân suy nhược nên người nhà yêu cầu truyền đạm.

Theo ông Khanh, bác sĩ Phạm Bá Hợp chỉ định truyền đạm cho bệnh nhân Hà. Tuy nhiên, thay vì truyền đạm sẵn có ở bệnh viện, bác sĩ Hợp đã cho phép người nhà bệnh nhân Hà ra TP. Thanh Hóa mua insulin - một loại chất đạm (protein). Điều dưỡng Trần Văn Dương đã thực hiện việc truyền đạm insulin cho bệnh nhân Hà.

“Đến khoảng 14h -15h, bệnh nhân Hà có phản ứng sốc phản vệ, mạch nhanh, rét run” – ông Khanh cho hay. Cũng theo ông Khanh, ngay sau đó, Khoa Nội cùng Khoa Hồi sức cấp cứu tích cực điều trị. Tại biên bản giao ban ca trực hồi 16h30 ghi các dấu hiệu lâm sàng ổn định.

Tuy nhiên, đến 22h, bệnh nhân Hà tái sốc rất nặng, huyết áp tụt nhanh và chỉ 30 phút sau, 22h30, bệnh nhân Mạch Văn Hà tử vong.

Tại buổi làm việc với PV, BS Lê Nguyên Khanh luôn khẳng định, tập thể y, bác sĩ BV đã tích cực, trách nhiệm trong việc điều trị và cứu chữa bệnh nhân.

Không thể cứ đền tiền là xong

“Ngay khi sự việc xảy ra, gia đình bệnh nhân bức xúc, nhưng được các bác sĩ giải thích, trong đó có tôi nên gia đình bệnh nhân thấu hiểu, thông cảm và chia sẻ” - BS Khanh nói. Ngay sau đó, người nhà đưa anh Hà về mai táng.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Lao Động, trước bức xúc đòi kiện y - bác sĩ, lãnh đạo bệnh viện đã họp kín với đại diện gia đình nạn nhân, đồng ý bồi thường khoản tiền hơn 200 triệu đồng. PV hỏi: “Số tiền này lấy từ đâu? Từ ngân sách hay y - bác sĩ đóng góp?”. Ông Lê Nguyên Khanh - GĐ BV - đã im lặng. BS Nguyễn Quốc Tới - PGĐ BV - “giải cứu” cho GĐ Khanh và cho hay, BV có khoản tiền bảo hiểm nghề nghiệp và do anh em đóng góp, chứ không dùng tiền ngân sách. BS Tới nói: “Xin phép anh em phóng viên cho chúng tôi tế nhị một chút” về số tiền bồi thường cho gia đình nạn nhân.

Được biết, cách đây 4 năm, ngày 4.9.2013, bệnh nhân Nguyễn Thanh Trúc (10 tháng tuổi, trú xã Thăng Long, huyện Nông Cống) cũng tử vong do tai nạn y khoa xảy ra ở BV Đa khoa Nông Cống. Theo đó, bé Trúc nhập viện và được chẩn đoán viêm phổi và viêm amidan. Sau 2 ngày nằm viện không tiến triển, khoảng 20h ngày 4.9, mẹ bé được cho là đã đề nghị bệnh viện chuyển bệnh nhân lên tuyến trên nhưng các bác sĩ nói "không sao" và giữ bé Trúc lại điều trị. Đến 23h, thấy môi bé tím tái, mặt nhợt nhạt, các bác sĩ cho cháu vào phòng cấp cứu thở ôxy. Khoảng một tiếng sau, bé có biểu hiện nguy kịch, được xe cứu thương đưa lên Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Tuy nhiên, bé Trúc đã tử vong sau khi nhập viện 10 phút.

Ngay sau sự việc, BS Lê Nguyên Khanh và cán bộ BV đã đến viếng bé Trúc đồng thời hỗ trợ gia đình 120 triệu đồng và ký kết thống nhất không khiếu nại vụ việc.

Ngày 23.6.2016, sản phụ Nguyễn Thị Oanh (SN 1976), lên cơn trở dạ, được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Nông Cống để chờ sinh. Đến nửa đêm, bác sĩ thông báo với gia đình buộc phải mổ đẻ. Trong quá trình mổ, sản phụ ra quá nhiều máu. Do phải cầm máu để cứu tính mạng thai phụ, nên các bác sĩ thông báo sẽ phải cắt bỏ tử cung. Anh Hiền (chồng sản phụ) ký vào đơn cam kết đồng ý. Tuy nhiên, thay vì cắt tử cung, các bác sĩ ở BV này lại cắt nhầm niệu quản khiến sau đó bệnh nhân phù nề, phải chuyển tuyến trên chữa trị.

BV Đa khoa Nông Cống (Thanh Hóa).

Cần làm rõ trách nhiệm

BV Đa khoa Nông Cống những năm gần đây xảy ra nhiều tai nạn y khoa. Trường hợp bệnh nhân Mạc Văn Hà cho thấy nhiều điểm yếu của bệnh viện. Kiến thức y khoa cơ bản, insulin là một loại chất đạm (protein) duy nhất trong cơ thể có tác dụng làm giảm đường huyết - rất cần thiết cho bệnh nhân tiểu đường, nhưng nếu được tiêm quá liều cho người khỏe mạnh có thể gây tử vong. Không loại trừ khả năng anh Hà tử vong do nguyên nhân này.

Rất nhiều câu hỏi cần trả lời như: Có thực sự là bác sĩ Phạm Bá Hợp chỉ định người nhà đi mua insulin hay người nhà tự đi mua về và bác sĩ cứ thế truyền? Việc người nhà tự đi mua insulin như vậy có đúng quy trình? Theo tìm hiểu của PV Lao Động, trước khi tiêm chai insulin, bệnh nhân Hà đã được truyền một chai đạm khác. Quy trình tác nghiệp, chữa bệnh như vậy có khoa học hay thiếu trách nhiệm, hời hợt và thiếu hiểu biết?

Rất cần Sở Y tế Thanh Hóa vào cuộc làm rõ trách nhiệm của cá nhân ông Lê Nguyên Khanh -  Giám đốc BV Đa khoa Nông Cống liên tục để xảy ra tai nạn ở BV mình quản lý và những người liên quan một cách khoa học, đồng thời chấn chỉnh lại chất lượng khám chữa bệnh ở BV nhiều tai tiếng này. Không thể chấp nhận một bệnh viện cấp huyện trong vài năm liên tục xảy ra tai nạn y khoa dẫn đến chết người rồi đền tiền là xong. Được biết, hơn một nửa y - bác sĩ BV tại BV này đều có bằng cấp chắp vá, đi lên từ chuyên tu, tại chức. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn