MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các học sinh trường Kim Giang (Hà Nội) bị ngộ độc hồi đầu năm 2023. Ảnh: Thuỳ Linh

Bếp ăn trường học tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc

Hà Lê LDO | 13/11/2023 06:30

Trong các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại trường học thời gian qua, nguyên nhân chủ yếu là chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó nguồn gốc nguyên liệu, thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ, nhận thức của người chế biến còn hạn chế.

Vụ ngộ độc này vừa xong, vụ khác lại xảy ra

Ngày 10.11, Trường Tiểu học - THCS - THPT Victory (TP Buôn Ma Thuột) tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh ba cấp học với 3.200 suất ăn. Trong đó, cấp tiểu học phục vụ 1.600 suất ăn với 4 món, gồm: Sữa su su 110ml, mì ý xốt bò bằm, bí đỏ chiên, nước cam.

Sau khi dùng bữa trưa xong và nghỉ ngơi, lúc 10h45 có 1 cháu xuất hiện triệu chứng đầu tiên là đau bụng, buồn nôn nên được đưa xuống phòng y tế nhà trường để thăm khám.

Khoảng 11h, nhà trường ghi nhận thêm 7 cháu học cùng lớp 3A11 (học cùng lớp với cháu có biểu hiện đau bụng và nôn đầu tiên) có triệu chứng đau bụng và được đưa xuống phòng y tế nhà trường.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Sở Y tế Đắk Lắk đã lấy 4 mẫu thức ăn lưu tại cơ sở gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên để kiểm nghiệm tìm nguyên nhân gây ra sự cố về an toàn thực phẩm.

Đầu năm 2023, cũng xảy ra vụ việc 72 học sinh của trường Tiểu học Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội phải nhập viện với các biểu hiện ngộ độc sau chuyến đi dã ngoại.

Đồ ăn trưa cho học sinh được nấu tại trường và vận chuyển đến địa điểm dã ngoại với các món ăn gồm: Cơm rang, gà phi lê chiên xù, khoai tây chiên, canh chua nấu thịt, bánh.

Sau đó, nguyên nhân khiến học sinh bị ngộ độc được xác định là do vi khuẩn tụ cầu vàng có trong món thịt gà. Cơ quan chức năng đã chỉ đạo điều tra tại bếp ăn trường Tiểu học Kim Giang rà soát lại nguyên nhân vi khuẩn tụ cầu vàng nhiễm vào thịt gà từ khâu vận chuyển hay trong quá trình chế biến.

Theo Bộ Y tế, trong thời gian qua vẫn xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể, đặc biệt là bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp và trường học, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người lao động và học sinh.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 10 cả nước xảy ra 13 vụ ngộ độc thực phẩm với 261 người bị ngộ độc (6 người tử vong). Tính chung 10 tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra 93 vụ với 1.617 người bị ngộ độc, 21 người tử vong. Trong số này, không ít vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể.

Truy suất nguồn gốc của thực phẩm, góp phần giảm nguy cơ ngộ độc

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, hiện nay việc cung cấp bữa ăn bán trú, bữa ăn ca tại các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục rất phổ biến và đa dạng với rất nhiều hình thức khác nhau: Tự tổ chức bếp ăn tại chỗ, mua suất ăn sẵn do đơn vị khác cung cấp, hợp đồng với các doanh nghiệp để tổ chức bếp ăn.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương đã tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc vi phạm quy định pháp luật của các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể. Tuy nhiên, vẫn xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể, đặc biệt là bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp và trường học, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người lao động và học sinh.

Ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Thời gian qua, thành phố đã tăng cường triển khai quyết liệt việc kiểm soát an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là tại các bếp ăn trường học. Trong đó, công tác kiểm soát, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu đầu vào được đẩy mạnh.

Các trường chưa thực hiện công tác truy xuất nguồn gốc, kiểm tra giám sát định kỳ và đột xuất tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm thực phẩm cung cấp nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm cho bếp ăn tập thể.

Bên cạnh đó, các đơn vị cung cấp thực phẩm (rau, củ, quả) chưa chứng minh được nguồn gốc đến địa chỉ trồng trọt. Nguồn gốc thực phẩm chỉ thể hiện được trên hóa đơn, chứng từ.

Mặt khác, do không có đủ nhân sự nên người giao hàng không phải người đã có hợp đồng lao động hoặc người của đơn vị cung cấp thực phẩm mà chủ yếu là lái xe thuê hoặc xe ôm được cơ sở thuê thời vụ. Hầu hết đơn vị cung cấp thực phẩm là đơn vị trung gian và chưa có phiếu giao nhận hay sổ giao nhận với người dân hoặc cơ sở trồng trọt trực tiếp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn