MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quá tải bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện E. Ảnh: TX

Biến chứng vì chủ quan điều trị sốt xuất huyết

Lệ Hà LDO | 25/07/2017 19:00
Trong quá trình điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết, các bác sĩ gặp không ít trường hợp ho ra máu, xuất huyết âm đạo trước chu kỳ, đi ngoài phân đen, men gan tăng cao… do biến chứng của sốt xuất huyết.    
Bệnh có thể mắc đi mắc lại
2 tuần trở lại đây, các bác sĩ ở khoa Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện E phải căng mình điều trị cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Trung bình mỗi ngày khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện E khám cho hơn 80 người dân mắc sốt xuất huyết, trong đó có từ 25-30 trường hợp phải nhập viện.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hạnh, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, cho biết: cách đây 3 tháng đã có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhập viện, nhưng 2 tuần trở lại đây bệnh nhân sốt xuất huyết tăng mạnh. Cao điểm ngày 24.7, số ca sốt xuất huyết điều trị tại khoa lên đến 80 người.
Đã xuất hiện những ca sốt xuất huyết biến chứng. Ảnh: TX

Bệnh nhân B.T.L (29 tuổi, Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội) nhập viện ngày 22.7 trong tình trạng sốt cao, xuất huyết dưới da, đau cơ khớp. Các bác sĩ cho bệnh nhân tiến hành công thức máu cho bệnh nhân thấy, lượng tiểu cầu giảm chỉ còn 46G/L (trong khi chỉ số bình thường là từ 150 – 500G/L). Nghi ngờ bệnh nhân sốt xuất huyết, bác sĩ chỉ định bệnh nhân làm xét nghiệm dengue dương tính. Bệnh nhân có sốt xuất bội nhiễm. Khai thác tiền sử mắc bệnh của bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết trong khi tại cơ quan đã có người mắc căn bệnh này.

Nằm trên giường bệnh, bệnh nhân N.T.N (41 tuổi, Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, đã vào viện ngày 24.7, trong tình trạng sốt cao kéo dài 5 ngày, đầu đau nhức, khớp xương nhức mỏi, hốc mắt đau… Các xét nghiệm của bệnh nhân dương tính với sốt xuất huyết degue. Theo bệnh nhân N, người nhà bị mắc sốt xuất huyết. Trước đây, bệnh nhân cũng đã từng mắc bệnh nhưng không biết mắc sốt xuất huyết type nào.
Căng mình chống sốt xuất huyết
Theo bác sĩ Hạnh, hiện khoa đang theo dõi và điều trị cho 66 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Mặc dù số lượng bệnh nhân đông nhưng do chủ động phòng chống dịch, kê thêm giường xếp cho bệnh nhân tại các phòng bệnh, hạn chế tình trạng bệnh nhân nằm ghép. So với những đợt dịch của các năm trước, số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết năm nay có thể tăng gấp 2-3 lần.
“Qua điều trị thực tế cho thấy, các tình trạng biến chứng của bệnh nhân sốt xuất huyết như ho ra máu, xuất huyết âm đạo trước chu kỳ, đi ngoài phân đen, men gan tăng cao (phụ thuộc vào thể sốt xuất huyết nặng hay nhẹ)… Trước những diễn biến khó lường của bệnh sốt xuất huyết, mọi người nếu thấy sốt cao đột ngột phải vào viện ngay. Bởi phát hiện sớm sẽ có cơ hội điều trị dự phòng sớm để giảm nguy cơ xuất huyết do bệnh diễn biến rất nhanh, khi bị xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa…”, bác sĩ Hạnh khuyến cáo.
Theo BS Hạnh, hiện sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh. Việc phòng, tránh bệnh sốt xuất huyết phụ thuộc nhiều vào ý thức người dân trong việc vệ sinh môi trường.
Theo báo cáo của Cục y tế dự phòng, Bộ Y tế, gần 7 tháng đầu năm 2017 cả nước có xấp xỉ 60.000 người bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 17 người tử vong, nhiều người bệnh gặp biến chứng xuất huyết não. So với cùng kỳ 2016, số mắc và tử vong do sốt xuất huyết đều gia tăng, có địa phương tăng 5-7 lần. Tính đến tháng 7.2017, 33/63 tỉnh thành chưa bố trí kinh phí cho phòng chống sốt xuất huyết.

 


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn