MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các y bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân Trần Thị Trang Đ bị tụ dịch gối, viêm tấy chân sau thời gian điều trị vết thương bằng cách đắp lá. Ảnh:Phương Linh

Bó lá thuốc chữa thương, một bệnh nhân nguy kịch

Phương Linh LDO | 09/07/2020 17:57

Ngày 9.7, bác sĩ Phạm Đình Thành, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình tổng quát, Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết, từ đầu năm đến nay khoa tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân diễn biến nặng do sử dụng lá thuốc để chữa trị vết thương. Trong đó có trường hợp bệnh nhân nữ nguy kịch do bị nhiễm trùng hoại thư sinh hơi.

Theo bác sĩ Thành, trường hợp bệnh nhân Phan Thị H. (sinh năm 1965, trú phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) có vết thương ở mu 2 bàn chân. Do bản thân có tiền sử bệnh tiểu đường nên vết thương lâu khỏi. Thay vì đi viện bà H. chữa trị bằng lá thuốc đắp lên vết thương. Được 10 ngày bó lá vết thương bà H.nặng hơn.

Ngày 7.7, bệnh nhân H. nhập viện Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa trong tình trạng nhiễm trùng mu bàn chân bên trái; chân phải nhiễm trùng túi mu đến háng, có dấu hiệu nát, dịch chảy. Qua kiểm tra các bác sĩ chẩn đoán lâm sàng bệnh nhân bị nhiễm trùng hoại thư sinh hơi.

Các bác sĩ hội chẩn và quyết định mổ, cắt lọc đoạn chi phải. Mặc dù các y bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa nhưng sau đó bệnh nhân diễn tiến nặng, hôn mê sâu, thở máy, nguy cơ tử vong. Đến 4 giờ ngày 9.7, gia đình đã xin cho bệnh nhân xuất viện.

Sau 1 tuần đắp lá vết thương của bệnh nhân Đ. không giảm mà còn sưng tấy, có dịch và rộp vùng da xung quanh. Ảnh: Phương Linh 

Trước đó, ngày 2.7, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Trần Thị Trang Đ. (sinh năm 1972, trú phường Vĩnh Nguyên, T.P Nha Trang, Khánh Hòa) bị tụ dịch gối trái, viêm tấy chân trái.

Chị Đ. bị va chạm giao thông dẫn đến vết thương trên đầu gối trái và tay. Chị Đ. không đi viện mà ở nhà bó thuốc lá. Nhưng 1 tuần sau vết thương sưng tấy chị Đ. mới nhập viện.

Các bác sĩ phải thực hiện mổ cắt lọc, tháo dịch mủ gối chân trái cho chị Đ. trước khi vết thương nhiễm trùng sâu hơn.

Đầu tháng 6.2020, khoa Chấn thương chỉnh hình tổng quát cũng đã thực hiện phẫu thuật nội soi khớp cho bệnh nhân T. (39 tuổi, trú thành phố Cam Ranh) bị nhiễm trùng hoại tử nặng ở khớp gối do đắp lá thuốc.

Anh T. bị chấn thương đầu gối thời gian dài. Sau 8 tháng điều trị bằng đắp thuốc lá và cắt lễ, chân trái anh T. ngày càng yếu, teo nhỏ, đi lại ngày càng khó khăn anh mới đi đến Bệnh viện.

Theo bác sĩ Phạm Đình Thành, “đa số bệnh nhân sử dụng các loại lá cây đắp, bó vết thương, cắt lể khi đến bệnh viện đều đã rất nặng. Chính tâm lý chủ quan và thói quen chữa bệnh bằng thuốc lá, cắt lể khi điều trị vết thương gây khó khăn trong việc cứu chữa cho bệnh nhân.

Vì vậy khuyến cáo người dân khi có vết thương không nên đắp thuốc lá, thuốc nam, cắt lể mà nên đến cơ sở y tế vì nếu không xử lý kịp thời, phù hợp dễ dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng. Trong đó nhiễm trùng nhiễm khuẩn do hoại thư sinh hơi nguy cơ tử vong rất cao”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn