MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Y tế đạp xe hưởng ứng ngày hội truyền thông tăng cường nhận thức về phòng chống bệnh không lây nhiễm. Ảnh: BYT

Bộ trưởng Bộ Y tế đạp xe kêu gọi phòng chống bệnh không lây nhiễm

T.L LDO | 16/12/2018 19:31

Ngày 16.12, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức lễ mit-tinh “Ngày hội truyền thông tăng cường nhận thức về phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm”.

Đây là hoạt động nhằm thực hiện Quyết định 1125/QĐ-TTg ngày 31.07.2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Y tế- Dân số năm 2016- 2020 và kế hoạch hoạt động năm 2018 của Dự án Phòng chống Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.  

Các bệnh không lây nhiễm nói chung và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản nói riêng đang được giới y học trên toàn thế giới quan tâm đặc biệt bởi gánh nặng về bệnh tật, gánh nặng kinh tế và tử vong do bệnh gây ra vẫn tiếp tục gia tăng mặc dù đã có những bước tiến lớn trong chẩn đoán, điều trị và cố gắng nỗ lực trong quản lý.

Bên cạnh đó hen phế quản là một bệnh hô hấp không lây nhiễm đã có nhiều thành tựu trong quản lý bệnh. Tuy nhiên, theo dự đoán tỷ lệ mắc và tử vong vẫn tiếp tục gia tăng, đến năm 2025, số người mắc bệnh hen trên toàn cầu có thể lên đến 400 triệu người. Hàng năm có khoảng 250 ngàn người tử vong do bệnh hen, chiếm đa số ở các nước chưa phát triển hoặc đang phát triển.

Nhiều bạn trẻ tham gia đạp xe hưởng ứng ngày hội truyền thông tăng cường nhận thức về phòng chống bệnh không lây nhiễm. Ảnh: BYT

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay, các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu. Tại Việt Nam, số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 73% tổng số các ca tử vong, trong đó 43% số ca tử vong trước 70 tuổi, gánh nặng bệnh tật do bệnh không lây nhiễm chiếm 66%.

Tuy nhiên người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản có thể sinh hoạt bình thường hoặc tương đối bình thường nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kêu gọi, mỗi người dân cần tăng cường nhận thức về phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm, giảm thiểu các hành vi và các yếu tố nguy cơ. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao sức khỏe chú trọng vào tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân biết cách phát hiện sớm bệnh, tuân thủ điều trị tại nhà khi mắc bệnh. Xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao sức khỏe tại cộng đồng như: câu lạc bộ người bệnh không lây nhiễm, trường học nâng cao sức khỏe, nơi làm việc nâng cao sức khỏe, thành phố sức khỏe.

“Có như vậy, chúng ta  mới có thể đạt mục tiêu đến năm 2025 là giảm 30% số người hút thuốc, giảm 10% số người uống rượu bia ở mức có hại, giảm 10% số người thiếu hoạt động thể lực, kiểm soát thừa cân béo phì xuống dưới 15%, kiểm soát tăng cholesterol dưới 35%, kiểm soát gia tăng huyết áp dưới 30% … như đã đề ra trong Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn