MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại cuộc họp.

Bộ Y tế đề nghị nâng mức cảnh báo dịch cúm A(H7N9)

Thùy Linh LDO | 03/03/2017 10:57
Sáng 3.3, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống các chủng virus cúm gia cầm độc lực cao trên người.

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế: Dịch bệnh cúm A(H7N9) đang xảy ra tại tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc có chung đường biên giới với 7 tỉnh của Việt Nam bao gồm: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh. Các địa phương này có các cửa khẩu quốc tế giao thương với Trung Quốc với lưu lượng người, phương tiện, hàng hoá lưu thông hằng ngày lớn như cửa khẩu Cốc Lếu (tỉnh Lào Cai), cửa khẩu Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), cửa khẩu Hữu Nghị, Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn). Ước tính mỗi ngày có khoảng 1.000 - 10.000 lượt người; 100 - 200 lượt phương tiện xuất, nhập cảnh qua các cửa khẩu nêu trên. Theo thông tin từ Cục Thú y từ năm 2016 đến hết ngày 15.2.2017 tại các tỉnh trên đã bắt giữ được số gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu gồm: 356.072 con gia cầm giống; 2.365 con gia cầm thịt; 62.406 kg thịt gia cầm và 212.080 quả trứng gia cầm. Ngoài ra còn rất nhiều các cửa khẩu tiểu ngạch, lối mở khác cũng giao lưu, buôn bán với nước bạn mà chưa thực sự kiểm soát hết được.

Phân tích các trường hợp mắc cúm A(H7N9) trong đợt dịch thứ 5 cho thấy độ tuổi trung bình mắc cúm A(H7N9) là 55 tuổi, trong đó 68% là bệnh nhân nam, 35% các trường hợp mắc làm nông nghiệp.

So sánh các trường hợp mắc cúm A(H7N9) của 4 đợt dịch trước cho thấy có sự tương đồng về tuổi, giới, thời gian khởi phát đến khi nhập viện, yếu tố nguy cơ. Kết quả giám sát cũng cho thấy có sự tương đồng về các khu vực ghi nhận các mẫu xét nghiệm dương tính với cúm A(H7N9) ở người và ở gia cầm cũng như môi trường.

Trong đợt dịch thứ 5 có sự gia tăng về tỷ lệ các trường hợp mắc cúm A(H7N9) ở người có tiền sử tiếp xúc với gia cầm (91% so với 85%), thời gian từ ngày khởi phát đến ngày tử vong nhanh hơn (8,5 ngày so với 17 ngày), tuy nhiên tỷ lệ tử vong thấp hơn các đợt dịch trước (29% so với 40,8%).

Từ năm 2013 đến nay đã ghi nhận 32 chùm ca bệnh, riêng đợt 5 này ghi nhận 6 chùm ca bệnh, trong đó có 5 chùm ca bệnh có mối quan hệ trong gia đình (cha - con, mẹ - con, chị - em), có một chùm ca bệnh là hai bệnh nhân cùng phòng, một chùm ca bệnh vừa có quan hệ gia đình và quan hệ bệnh nhân cùng phòng. Tuy nhiên, chưa xác định được bằng chứng rõ ràng có sự lây truyền vi rút cúm A(H7N9) từ người sang người.

Phân tích đặc điểm vi rút cúm A(H7N9) cho thấy có sự thay đổi của vi rút cúm A(H7N9) đối với gia cầm từ độc lực thấp sang độc lực cao khi phân tích gen vi rút cúm ở 2 bệnh nhân mắc cúm A(H7N9) tại Quảng Đông và bệnh nhân mắc cúm A(H7N9) ở Đài Loan (theo Thông báo ngày 25/02/2017 của Tổ chức Y tế thế giới). Tuy nhiên, sự liên tục thay đổi này như là một đặc điểm tự nhiên của vi rút cúm do quá trình tái tổ hợp. Hiện nay, chưa có bằng chứng về sự thay đổi của vi rút cúm A(H7N9) làm lây truyền dễ dàng từ người sang người.

Theo thông báo từ phòng xét nghiệm chuẩn thức của WHO tại Bắc Kinh (Trung Quốc), trong đợt dịch lần thứ 5 này, có 8/86 (9%) mẫu vi rút cúm A (H7N9) trên người có dấu hiệu chỉ điểm về gen (genetic markers) kháng neuraminidase; tuy nhiên WHO chưa có bằng chứng để khuyến cáo các thay đổi về quản lý lâm sàng đối với trường hợp nhiễm vi rút cúm A (H7N9) ở người.

Về giám sát cúm H7N9 trên gia cầm: Theo FAO, kết quả chương trình giám sát chợ gia cầm sống tháng 12.2016 do Ủy ban Sức khỏe và kế hoạch hóa gia đình cấp tỉnh thực hiện tại Giang Tô và Quảng Đông (Trung Quốc) cho thấy có 15,8% và 9,4% số mẫu môi trường thu thập từ chợ gia cầm sống dương tính với H7, 59% số mẫu môi trường thu thập tại thành phố Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) dương tính với H7N9 và 30% số chợ tại Quảng Châu nhiễm vi rút cúm gia cầm H7N9.

Kết quả giám sát cúm gia cầm H7N9 của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cũng cho thấy số lượng mẫu dương tính phát hiện trong tháng 12 và tháng 1 tăng đột biến so với những tháng trước.

Tổ chức Y tế thế giới nhận định về tình hình dịch bệnh vẫn có thể diễn biến phức tạp, số trường hợp mắc tiếp tục gia tăng, tuy chưa khuyến cáo hạn chế việc đi lại, song có khuyến cáo hành khách du lịch nên tránh đi đến các khu vực đã phát hiện có ổ dịch, đặc biệt là các trang trại nuôi gia cầm, khu vực giết mổ và các khu vực được thông báo có nhiễm vi rút cúm A(H7N9) ở môi trường.

Tại Việt Nam, từ năm 2013 đến nay, ngành y tế đã chủ động triển khai tích cực việc giám sát thông qua giám sát thường xuyên, giám sát trọng điểm cúm quốc gia và đến nay chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) trên gia cầm cũng như trên người.

Tuy nhiên, tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ quan ngại về tình hình dịch bệnh cúm A(H7N9) và cúm A(H5N1) đang diễn ra hết sức phức tạp. “Chúng tôi hết sức quan ngại về nguy cơ H7N9 vào Việt Nam do tại các vùng dịch của Trung Quốc, mức độ dịch tăng nhanh về số lượng mắc. Đặc biệt những tỉnh Vân Nam, Quảng Đông giáp biên giới đều xuất hiện những ca mắc. Gia cầm nhập lậu thì chưa thể xử lý hết được, nhất là qua các đường mòn biên giới. Báo cáo của Bộ NNPTNT cho biết đã kiểm soát, đã tiêu hủy rất nhiều gia cầm nhập lậu. Các tỉnh cũng quyết tâm cao nhưng tình trạng gia cầm nhập lậu vẫn chưa được kiểm soát”- Thứ trưởng Long nói.

“Khó khăn hơn nữa là hiện chưa phát hiện được H7N9 có biểu hiện lâm sàng trên gia cầm khiến cho người dân cực kỳ chủ quan, giết mổ tiếp xúc gia cầm không có bảo hộ. Hiện chưa có bằng chứng thuyết phục lây từ người sang người, nhưng khả năng lây từ người sang người rất cao. Chúng tôi đặt câu hỏi là tại sao Trung Quốc lại lây lan nhanh như vậy? Đã xuất hiện chủng kháng thuốc: bản thân vi rút tự thay đổi, tự tái tổ hợp. Đây cũng là điều đáng lo ngại…”- Thứ trưởng Long bày tỏ quan ngại.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam, nguy cơ lây từ người sang người, nguy cơ bùng phát trở lại H5N1 cực kỳ cao do dịch cúm A(H5N1) lại xuất phát rải rác, không tập trung một điểm nào. Trước bối cảnh như vậy, Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các cơ quan phải nâng cao mức độ cảnh báo dịch cao hơn, để có thái độ ứng xử cho phù hợp. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn