MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phẫu thuật tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 có bảo hiểm y tế. Ảnh: Mai Hằng

Bộ Y tế đề xuất tăng kinh phí chi cho khám chữa bệnh BHYT

Hà Lê LDO | 09/03/2024 18:01

Bộ Y tế đề xuất điều chỉnh chi phí quản lý tối đa 5% như quy định hiện hành xuống tối đa 4% cho hoạt động quản lý quỹ bảo hiểm y tế (BHYT). Phần còn lại 1% bổ sung ngay vào quỹ khám bệnh, chữa bệnh BHYT.

Bộ Y tế đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Trong đó, Bộ đề xuất quy định điều chỉnh giảm số kinh phí phân bổ dành cho chi phí quản lý để chuyển sang chi trực tiếp cho khám bệnh, chữa bệnh.

Theo dự thảo, 91% số tiền đóng BHYT dành cho khám bệnh, chữa bệnh; 9% số tiền đóng BHYT dành cho quỹ dự phòng, chi phí quản lý quỹ BHYT, trong đó dành tối thiểu 5% số tiền đóng BHYT cho quỹ dự phòng.

Bộ Y tế cho biết, nếu thực hiện đề xuất trên sẽ tăng nguồn kinh phí chi cho khám bệnh, chữa bệnh BHYT trong bối cảnh mức đóng BHYT còn thấp, nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người dân ngày càng tăng.

Việc tỉ lệ chi tối đa dành cho chi phí quản lý quỹ BHYT từ 5% xuống 4%, phần còn lại 1% bổ sung ngay vào quỹ khám bệnh, chữa bệnh sẽ giúp gia tăng kinh phí chi cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Tổng kinh phí được bổ sung vào quỹ khám bệnh, chữa bệnh mỗi năm khoảng 1.100 tỉ đồng sẽ được phân bổ, điều tiết ngay từ đầu năm cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu, nhiệm vụ góp phần giảm tình trạng thiếu kinh phí, nợ đọng kéo dài.

Tăng quỹ khám chữa bệnh BHYT sẽ góp phần tăng quyền lợi và khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ y tế có chất lượng từ đó làm giảm tỉ lệ mắc, điều trị các bệnh, tật; có thể giúp giảm thời gian, nhân lực để điều chỉnh kết dư chi phí quản lý, điều chỉnh bổ sung kinh phí cho bảo hiểm xã hội, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhờ có thêm kinh phí nên có thể tăng phân bổ, từ đó giúp tiết kiệm chi ngân sách cho bộ máy.

Việc phân bổ sử dụng quỹ BHYT hiệu quả để tăng kinh phí phân bổ cho khám bệnh, chữa bệnh sẽ góp phần tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ y tế có chất lượng từ đó làm giảm tỉ lệ mắc, điều trị các bệnh, tật. Điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thông qua đó sẽ làm tăng năng suất, hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn