MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Trương Thị Mai, bà Nguyễn Thị Kim Tiến hưởng ứng đi bộ 10 nghìn bước. Ảnh: T.D

Bộ Y tế kêu gọi đi bộ 10.000 bước mỗi ngày để phòng chống bệnh tật

T.Linh LDO | 07/04/2019 17:48

Mặt trái của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa, sự già hóa dân số và biến đổi khí hậu... đã làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, tàn phế và tử vong sớm do bệnh tật.

Ngày 7.4, Bộ Y tế tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Sức khỏe thế giới năm 2019 - Chương trình Sức khỏe Việt Nam và tuyên dương Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu lần thứ VIII. Tham dự ngày hội có bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban dân vận Trung ương. 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Thời gian qua, Y tế Việt Nam đã có nhiều khởi sắc, đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho 73% dân số - đây là một con số khá cao so với các quốc gia khác trong khu vực - theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới.

Bên cạnh những thành tựu đáng tự hào, hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức mới về sức khỏe của người dân trong quá trình phát triển. Đó là những mặt trái của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa, sự già hóa dân số và biến đổi khí hậu... đã làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, tàn phế và tử vong sớm do bệnh tật, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh mãn tính về đường hô hấp. Những căn bệnh này là những “sát thủ” hàng đầu, đang chiếm 73% số ca tử vong hằng năm.

Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại sự kiện. Ảnh: T.D

Nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc và tử vong cao đối với các bệnh không lây nhiễm xuất phát từ lối sống và sự chủ quan của người Việt Nam như: Hút thuốc; uống rượu bia; ăn ít rau, trái cây; ăn nhiều muối; thiếu hoạt động thể lực; tình trạng thừa cân béo phì, tăng huyết áp, tăng đường máu, rối loạn lipid máu… đều có xu hướng gia tăng nhanh.

Trong khi đó, mạng lưới y tế tuyến cơ sở chưa quản lý được các bệnh mãn tính, nhiều nơi năng lực còn hạn chế, đại bộ phận người dân chưa có ý thức kiểm tra sức khỏe định kỳ, sàng lọc phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm và lười rèn luyện thể chất.

70% người bệnh ung thư đến khám bệnh và chẩn đoán ở những giai đoạn muộn nên khả năng chữa trị hạn chế và có tới 25-50% bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính không được chẩn đoán đúng trước khi nhập viện điều trị.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay: Thông qua hoạt động “đi bộ 10.000 bước chân” mỗi ngày và hoạt động thể dục, ngành y tế mong muốn truyền tải thông điệp vận động để phòng chống bệnh tật, để thay đổi cuộc sống và vì một Việt Nam khỏe mạnh.

Hưởng ứng chương trình Sức khỏe Việt Nam. Ảnh: T.D

Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu cùng 5.000 đoàn viên thanh niên và lực lượng y bác sĩ trẻ sẽ tham gia đồng diễn dân vũ và tập thể dục 3 phút giữa giờ, đi bộ 10.000 bước.

Đồng thời, các bệnh viện: Bệnh viện K, Bệnh viện Phổi Trung ương, Viện tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã tổ chức khám phát hiện các bệnh không lây nhiễm, sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung, bằng các trang thiết bị hiện đại nhất hiện nay cho người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn