MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa.

Lúng túng giải quyết chế độ giáo viên nghỉ thai sản dịp nghỉ hè

NAM DƯƠNG LDO | 22/03/2019 14:04

“Tôi là giáo viên tiểu học, hiện đang mang thai tháng thứ 6, dự kiến đến tháng 6.2019 thì sẽ sinh con. Thời gian nghỉ thai sản của tôi trùng với thời gian nghỉ hè. Như vậy, tôi được nghỉ bù hai tháng hay 12 ngày?” - bạn đọc có email minhuyenxxx@gmai1l.com gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động hỏi.

Cùng nghỉ thai sản, hưởng chế độ khác nhau

Câu hỏi trên được nhiều bạn đọc là giáo viên gửi email hay gọi điện thoại đến Văn phòng Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động để nhờ tư vấn. Không chỉ các giáo viên, thậm chí có cả cán bộ của một số Phòng GDĐT cũng hỏi tương tự. Điều này minh chứng sự không thống nhất trong cách giải quyết chế độ cho giáo viên nghỉ thai sản trùng thời gian nghỉ hè khi có trường cho giáo viên nghỉ bù hai tháng, có trường lại chỉ giải quyết nghỉ 12 ngày.

Theo quy định của pháp luật về BHXH hiện hành, lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng.

Khoản 2, Điều 3 Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên mầm non (Thông tư 48) quy định như sau: “Thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên mầm non gồm: Nghỉ hè và các ngày nghỉ khác, cụ thể như sau: a) Thời gian nghỉ hè của giáo viên là 8 tuần, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp, trợ cấp (nếu có); b) Các ngày nghỉ khác thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động (BLLĐ) và các quy định hiện hành”. Còn điểm a, Khoản 4, Điều 1, Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông (Thông tư 15) quy định: “Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên là 2 tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm theo quy định của BLLĐ), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có)”. Với các quy định này cho thấy thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên mầm non và phổ thông gồm ngày nghỉ theo quy định của BLLĐ và ngày nghỉ hè.

Cục hướng dẫn khác bộ

Trưởng phòng GDĐT của một quận ở TPHCM (đề nghị không nêu tên) cho biết, trước đây phòng vẫn giải quyết cho giáo viên nghỉ thai sản trùng thời gian nghỉ hè được nghỉ bù 2 tháng ngoài thời gian 6 tháng nghỉ hưởng chế độ thai sản của Luật Bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, sau khi có Công văn số 1125/NGCBQLGD-CSNGCB (Công văn 1125) “Về việc hướng dẫn giải quyết chế độ thai sản của giáo viên trùng với thời gian nghỉ hè” ngày 18.8.2017 của Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (CQLGD) Bộ GDĐT, thì phòng chỉ giải quyết cho giáo viên nghỉ thai sản trùng thời gian nghỉ hè được nghỉ bù 12 ngày theo quy định tại Điều 111 của BLLĐ cộng với ngày nghỉ theo thâm niên quy định tại Điều 112 của BLLĐ (nếu có). Bởi lẽ, trong Công văn 1125, CQLGD hướng dẫn như sau: “Trường hợp giáo viên nữ có thời gian nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè thì sẽ được cơ sở giáo dục bố trí thời gian nghỉ hằng năm theo quy định tại Điều 111 và Điều 112 BLLĐ hoặc thanh toán tiền nghỉ hằng năm theo quy định tại Điều 114 BLLĐ”.

So sánh giữa quy định ở các Thông tư 48, 15 của Bộ GDĐT và hướng dẫn của CQLGD tại Công văn 1125, thì thấy trong hướng dẫn này, thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên chỉ còn ngày nghỉ theo quy định tại BLLĐ mà không còn có ngày nghỉ hè nữa. Chính sự khác biệt giữa các văn bản trên đã khiến cho nhiều trường và phòng GDĐT lúng túng trong giải quyết chế độ cho giáo viên có thời gian nghỉ thai sản trùng thời gian nghỉ hè. Thiết nghĩ, cần có một sự hướng dẫn cụ thể của Bộ GDĐT để tránh sự lúng túng khi thực hiện chế độ cho giáo viên nghỉ thai sản trùng thời gian nghỉ hè.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn