MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ca vi phẫu thứ 500 "trả lại khuôn mặt" cho bệnh nhân. Ảnh: Thùy Linh

Ca vi phẫu "trả lại khuôn mặt" cho người thứ 500

Thùy Linh LDO | 12/08/2018 06:30

Bệnh nhân Nguyễn Giang Ly (SN 2002) ở xã Hợp Thành - Phú Lương - Thái Nguyên đã gần chục năm qua phải sống chung với khối u lớn trên mặt. Khuôn mặt nặng nề khiến cháu khổ sở, mất tự tin trong cuộc sống. 

Theo anh Nguyễn Văn Thụ (bố của bệnh nhân), nhiều lúc nhìn con đau đớn mà lòng anh bứt rứt không yên. "Hồi cháu 8 tuổi, tự nhiên má phải cháu sưng lên, gia đình nghĩ cháu bị mọc răng, khám thì lại không phải. Sau 2 tháng cháu vẫn cứ kêu đau, mệt mỏi. Khối sưng cứ phát triển dần, lan sang bên trái, cháu đau và khó chịu. Khi đi khám ở BV tỉnh, làm sinh thiết, các BS chẩn đoán u xơ xương hàm dưới, họ chuyển lên tuyến trên luôn"- anh chia sẻ. 

Chia sẻ về ca bệnh này, BS Nguyễn Hồng Nhung - Khoa Phẫu thuật Tạo hình Hàm mặt, Bệnh viện Răng Hàm Mặt T.Ư cho biết: "Cách đây mấy năm, sau khi khám và chẩn đoán, các BS kết luận đây là bệnh u lành tính nhưng có phá hủy xương hàm, có tiến triển nhưng không nhanh. Chính vì vậy, các BS không có chỉ định mổ cấp cứu. Lúc đó cháu còn rất nhỏ. Nếu lúc đó điều trị cũng chỉ có mài, đẽo gọt để trở về xương hàm bình thường, nhưng lại vô tình làm u phát triển nhanh hơn. Chỉ định theo dõi và chờ đợi lúc này là cần thiết. 

Bố bệnh nhân mong chờ từng ngày để con mình thoát khỏi khối u quái ác. Ảnh: T.Linh

Theo BS, phẫu thuật triệt để nhất là phẫu thuật cắt đoạn vùng u, trong khi khối u quá lớn, nếu mà phải cắt đoạn khi bệnh nhân còn nhỏ thì sẽ gây biến dạng khuôn mặt rất lớn. Biến dạng sẽ làm thiểu sản, khiến các vùng xung quanh không phát triển, sự lệch lạc sẽ rất lớn, cần điều trị duy trì đến khi bệnh nhi khoảng 15- 16 tuổi, bắt đầu hình thành khuôn mặt người lớn mới có thể tiến hành phẫu thuật. 

Mới đây, khi nhập viện, bệnh nhân đau nhức nhối nhiều hơn, khi chụp X-Quang phát hiện ở trong khối u đã có rất nhiều ổ tiêu xương, vùng xương bị tiêu hủy. Những ổ xương chết đó có rất nhiều khả năng gây bội nhiễm.

"Chúng tôi phải điều trị kháng sinh, giảm đau cho bệnh nhân nhưng cũng chỉ là tạm thời. Lúc này các BS mới có chỉ định mổ. Bệnh nhân đã lớn, khuôn mặt đã phát triển, hơn nữa, bệnh nhân bị hạn chế vận động và giao tiếp xã hội rất lớn"- BS Nhung nói. 

Sau khi cắt bỏ khối u, bệnh nhân sẽ mất đi gần một nửa khuôn mặt. Các BS sẽ dùng kỹ thuật vi phẫu ghép đoạn xương hàm, tái tạo lại khuôn mặt cho bệnh nhân. "Sau phẫu thuật, bệnh lý lành tính này sẽ khỏi hoàn toàn, thông thường sẽ không tái phát, bệnh nhân hết đau, hồi phục dần các chức năng bình thường của hàm mặt"- BS Nhung chia sẻ. 

Đây là ca vi phẫu thứ 500 được thực hiện tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương HN. Ca phẫu thuật "đặc biệt" này sẽ diễn ra vào ngày 13.8 tới, đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình nhiều năm làm chủ kỹ thuật cao, sánh ngang tầm quốc tế, đi trước các nước trong khu vực của ngành Răng Hàm Mặt Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn