MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các bác sĩ Việt Nam đã từng điều trị cho ca mắc COVID-19 nặng. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Các bệnh lý nền và đối tượng có nguy cơ tử vong khi mắc COVID-19

Lệ Hà LDO | 31/07/2020 17:35

Hiện một số bệnh nhân mắc COVID-19 diễn biến rất nặng, tăng nặng, đặc biệt là diễn biến nguy kịch rất nhanh. Nhiều ca bệnh có bệnh lý nền kèm theo. Những bệnh lý nền và đối tượng nào có nguy cơ tử vong khi mắc COVID-19?

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn  - Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, khi mắc COVID-19, nhóm đối tượng có nguy cơ cao diễn biến tăng nặng sẽ tập trung vào nhóm người cao tuổi (trên 60 tuổi), có bệnh lý nền (đái tháo đường, cao huyết áp, suy thận mãn, lọc máu chu kỳ, ung thư, phổi tắc nghẽn mãn tính…) hoặc có cơ địa, thể trạng béo phì, suy kiệt…

“Những yếu tố này sẽ dễ dẫn đến nguy cơ tăng nặng khi nhiễm COVID-19” – PGS.TS Nguyễn Trường Sơn nói.

- Người cao tuổi: Dễ mắc và tử vong cao hơn do COVID-19 do giảm sút chức năng miễn dịch theo tuổi tác, nên khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng thông thường kém đi. 

- Người bệnh phổi mạn tính: Nếu viêm phổi phát triển do COVID-19, sự tắc nghẽn đường thở có thể gây nguy hiểm tính mạng.

- Người suy giảm miễn dịch: Có hệ thống miễn dịch yếu, khiến họ không có khả năng chống lại nhiễm trùng. Việc mất khả năng miễn dịch không chỉ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng mà còn làm tăng khả năng mắc bệnh nặng.

- Người bệnh tim mạch: Ở những người đã mắc bệnh tim mạch từ trước, tăng gánh cho tim không chỉ làm tăng mức độ nghiêm trọng của huyết áp cao mà còn có khả năng làm bộc phát cơn đau tim hoặc đột quỵ.

- Người bệnh đái tháo đường: Mất khả năng kiểm soát lượng đường trong máu là lý do chính tại sao một số người mắc bệnh đái tháo đường có nhiều khả năng mắc COVID-19 và gặp phải tình trạng bệnh nặng hơn.

- Người bệnh thận mãn tính: Những người bị bệnh thận mãn tính tiến triển thường đã có sẵn suy giảm hệ thống miễn dịch, nhưng các yếu tố khác có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh COVID-19. Bởi vì chức năng của phổi, tim và thận có liên quan đến nhau, bất kỳ sự suy yếu nào của một cơ quan này sẽ luôn tác động đến những cơ quan khác. Nếu nhiễm trùng phổi nghiêm trọng, kéo theo thận cũng bị tổn thương nặng hơn.

Người béo phì: Có liên quan đến nhiều rối loạn sức khỏe, làm tăng nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của COVID-19, bao gồm: Tăng huyết áp; Bệnh tim; Bệnh đái tháo đường típ 2; Bệnh gan nhiễm mỡ; Bệnh thận.

Phân tích cụ thể hơn về cơ chế gây tăng nặng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay, nhóm người nói trên khi mắc COVID-19 sẽ suy giảm sức đề kháng, khiến lượng virus phát triển trong cơ thể nhanh hơn, tổn thương cơ quan nhanh hơn so với bệnh nhân khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn