MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Các nước làm gì để ngăn giới trẻ tiếp cận với thuốc lá không khói?

Minh Luân LDO | 27/05/2021 16:07

Trong chính sách quản lý các sản phẩm thuốc lá không khói tại nhiều quốc gia như Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc,… nỗ lực ngăn chặn thanh thiếu niên tiếp cận các sản phẩm này luôn được đặt lên hàng đầu.

Không thể mua sản phẩm khi không chứng minh được độ tuổi

Tại các nước mà thuốc lá làm nóng (thuốc lá nung nóng) cũng như các sản phẩm thuốc lá không khói khác được thương mại, chính phủ của những quốc gia này đều có sự phối hợp chặt chẽ với nhà sản xuất.

Các công ty cung cấp các sản phẩm thuốc lá không khói được yêu cầu phải ưu tiên thực hành tiếp thị có trách nhiệm, phòng tránh sự tiếp cận của giới trẻ bằng mọi nỗ lực.

Nhiều quốc gia quy định cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi. Ảnh: CMH.

Ví dụ đối với quy định cấm bán tất cả sản phẩm thuốc lá cho người dưới 18 tuổi, các công ty phải trình được giải pháp ngăn chặn nhóm đối tượng này tiếp xúc bằng cách sử dụng nền tảng công nghệ để xác minh độ tuổi đối với những người tiếp cận các sản phẩm thuộc danh mục thiết bị không khói. Các biện pháp xác minh độ tuổi được triển khai sẽ thay đổi giữa các thị trường, bao gồm kiểm tra cơ sở dữ liệu của bên thứ ba, kiểm tra thẻ căn cước/chứng minh nhân dân được đăng tải và xác minh độ tuổi khi giao hàng.

Đồng thời, những biện pháp này được thiết lập, đảm bảo luôn tuân thủ các yêu cầu theo khung luật định của quốc gia sở tại.

Tại các điểm bán hợp pháp phải có các chuyên gia hướng dẫn để xác định đúng đối tượng chuyển đổi, tránh tình trạng lạm dụng, sử dụng sai mục đích, sai khuyến cáo của nhà sản xuất. Các chương trình tiếp thị sản phẩm này đều được báo cáo lên các cơ quan chức năng của nước sở tại để cùng đạt đến mục tiêu đưa tỷ lệ tiếp cận sản phẩm của giới trẻ ở mức thấp nhất và tiến đến gần bằng 0.

Về phía chính phủ, mặc dù cho phép các sản phẩm không khói thương mại nhưng cũng đưa ra các tuyên truyền, cảnh báo sức khỏe đối với những sản phẩm này. Đồng thời nhấn mạnh thuốc lá không khói chỉ dành cho người trưởng thành đang hút thuốc lá điếu có nhu cầu chuyển đổi để giảm thiểu tác hại.

Việc ngăn chặn thanh thiếu niên sử dụng các sản phẩm này được xác định là mục tiêu trọng tâm trong công cuộc phòng chống tác hại thuốc lá, và là trách nhiệm của Chính phủ, cộng đồng và cả ngành công nghiệp thuốc lá. Đơn cử như Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), dù cho phép thương mại một sản phẩm thuốc lá làm nóng, nhưng cơ quan này cũng yêu cầu để các biện pháp kiểm soát cần phải giảm thiểu hành vi sử dụng sai mục đích hướng dẫn, để thật sự đạt được mục đích cải thiện sức khỏe cộng đồng.

Riêng với thuốc lá làm nóng (một trong những sản phẩm thuốc lá không khói tiêu biểu), trong 66 thị trường đã triển khai thương mại hóa sản phẩm như Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Ý, Nhật, Hàn Quốc,... 2/3 trong số này hiện vẫn thuộc nhóm cam kết Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Nhiều kết quả khả quan đã được ghi nhận

Hiện một số nước đã ghi nhận vẫn có tình trạng sử dụng của giới trẻ nhưng không phải là người hút mới mà là nhóm đối tượng chuyển đổi từ thuốc lá điếu sang. Cụ thể tại Nhật Bản, thị trường thuốc lá làm nóng lớn nhất thế giới, nghiên cứu năm 2018 do Bộ Y tế nước này tài trợ thực hiện cho thấy chỉ 0,1% học sinh cấp 2 và 3 sử dụng sản phẩm thuốc lá làm nóng hằng ngày. Nhưng nhóm học sinh này đã có sử dụng thuốc lá điếu trước đó. Ở chiều ngược lại chưa có số liệu cho thấy giới trẻ hút thuốc lá làm nóng sau đó chuyển sang sử dụng thuốc lá điếu.

Tại Đức, một nghiên cứu độc lập với 7.000 thanh thiếu niên toàn quốc ở nước này cho thấy, số người ở độ tuổi từ 12-17 tuổi có sử dụng sản phẩm thuốc lá làm nóng trong vòng 30 ngày trước khảo sát gần như bằng 0.

Trên website của FDA, Tiến sĩ TS. Priscilla Callahan-Lyon khẳng định, nguy cơ giới trẻ sử dụng thuốc lá làm nóng là không đáng kể, vì giá thành của thiết bị này từ 90 -100 đô-la đối với mỗi thiết bị, thì việc mua sản phẩm không phải là điều dễ dàng. Ngoài ra, nguy cơ hấp dẫn giới trẻ vì mùi hương đa dạng đã được loại trừ, vì sản phẩm chỉ có mùi hương thuốc lá có tinh dầu bạc hà và mùi hương thuốc lá không có tinh dầu bạc hà.

Tại Việt Nam, tình hình đang diễn ra theo chiều hướng ngược lại, khi thuốc lá không khói mặc dù du nhập vào thị trường chợ đen cách đây hơn 4 năm, nhưng tới tận bây giờ vẫn chưa được đưa vào quản lý. Điều tra mới đây của Viện Chiến lược chính sách Y tế tại Hà Nội cho thấy có tới 5,2% thanh thiếu niên chưa hút thuốc bao giờ nhưng lại hút thuốc lá điện tử nhập lậu. Điều đáng lo là mặc dù Chính phủ đã 3 lần chỉ đạo sớm quản lý thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng (thuốc lá nung nóng), nhưng đến nay, các sản phẩm này vẫn nằm ngoài luật định, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng, và đe dọa sức khỏe cộng đồng, nhất là giới trẻ.

Gần đây, việc tuyên truyền tác hại của các sản phẩm không khói (thực chất là các nguồn hàng lậu) đã và đang diễn ra trên diện rộng. Tuy nhiên, sẽ vẫn là thiếu sót nếu chỉ áp dụng biện pháp tuyên truyền, phụ thuộc ý thức tự giác của người sử dụng, trong khi đến nay vẫn không có phương pháp chế tài nghiêm minh với những tổ chức, cá nhân buôn lậu, không ngừng phá hoại những nỗ lực tuyên truyền của ngành y tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn