MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những món ăn, thực phẩm tốt cho người đau dạ dày. Ảnh: VM

Cách ăn uống giúp kiểm soát cơn đau dạ dày hậu COVID-19

Trang Thiều (T/H) LDO | 26/03/2022 06:00

Ở người mắc COVID-19, trong thời gian nhiễm bệnh thường có chế độ ăn uống kém, thường xuyên lo lắng, mất ngủ, căng thẳng kéo dài. Đó có thể là nguyên nhân gây tái phát cơn đau dạ dày ở người có tiền sử viêm loét dạ dày.

Ăn đủ chất dinh dưỡng

Để sở hữu sức khỏe tốt, người có bệnh lý dạ dày cần phải đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ 4 nhóm chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.

Theo đó, tinh bột chủ yếu từ các loại ngũ cốc; chất đạm có từ thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ...; chất béo từ mỡ động vật, dầu thực vật; vitamin và khoáng chất từ các loại rau, củ, quả tươi...

Ăn chậm, nhai kỹ, ăn nhiều bữa

Khi niêm mạc dạ dày bị tổn thương hoặc bị kích thích rất dễ gây tái phát những cơn đau và làm nặng thêm các tổn thương viêm loét trước đó. Vì vậy, người bệnh cần lưu ý:

Không ăn quá no hay để đói quá. Nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày. Ăn bữa tối cách giờ đi ngủ khoảng 3 giờ. Không ăn khuya, tránh dạ dày hoạt động quá tải về đêm.

Đặc biệt, ăn chậm, nhai kỹ. Sau khi ăn không nên vận động mạnh, không chạy nhảy, tập thể dục hay làm việc quá sức ngay.

Ưu tiên thực phẩm tốt cho dạ dày

Người bệnh nên ưu tiên sử dụng những thực phẩm có tính chất bao bọc niêm mạc dạ dày như sữa, trứng, mật ong, nghệ,… Theo đó, nghệ có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa, kiềm độ acid của dịch vị và làm lành các vết loét dạ dày. Còn mật ong có nhiều dưỡng chất kháng khuẩn, điều hòa nồng độ acid tại dạ dày và tránh tình trạng kích ứng dạ dày.

Những thực phẩm có tác dụng thấm hút dịch vị acid của dạ dày như bánh ngọt, bánh quy, bánh mỳ.

Những thực phẩm làm giảm tiết dịch dạ dày như cháo, cơm, cơm nếp, bánh mỳ, khoai lang, khoai tây luộc nhừ…

Những thực phẩm có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh đau dạ dày như các loại rau lá non (bắp cải, giá đỗ…)

Những thực phẩm giàu đạm, canxi, kẽm (thịt, cá nạc, tôm…) làm nhanh lành vết loét.

Những thực phẩm cải thiện tình trạng thiếu hụt vitamin và khoáng chất do tiêu hóa và hấp thu kém khi bị đau dạ dày như loại hoa quả màu đỏ, rau củ có màu xanh đậm, ngũ cốc...

 Hạn chế các thực phẩm không tốt cho dạ dày

Hạn chế thức ăn làm thay đổi môi trường PH của dạ dày như đồ có vị cay, chua, gia vị tiêu, giấm, ớt, tỏi… Hạn chế thức ăn nhiều chất béo, cà phê, trà đặc, đồ uống có gas, thức ăn muối chua, nhiều muối… Hạn chế thức ăn chiên, xào, rán.

Hạn chế tối đa uống rượu bia. Không ăn thức ăn lạnh, thức ăn để lâu, các món tái, sống như gỏi cá, nem chua, tiết canh… Những thực phẩm này đặc biệt không tốt cho dạ dày.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn