MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cách bảo vệ thực phẩm an toàn cho mùa nóng

NGUYỄN QUYỀN (THEO HEALTHPLUS) LDO | 02/04/2021 08:38

Những ngày trời nắng nóng, nhiệt độ cao, thực phẩm rất dễ bị ôi thiu. Để đảm bảo được lượng dinh dưỡng có trong thực phẩm, bạn cần biết một số cách bảo quản thực phẩm an toàn.

Kiểm soát nhiệt độ của tủ lạnh, tủ đông

Những ngày thời tiết oi bức, để đảm bảo an toàn, các thực phẩm nên được bảo quản trong tủ lạnh, tủ đông. Ở chế độ ngăn mát, không nên để vượt quá 5 độ C, với tủ đông hoặc ngăn đá thì nên duy trì ở -15 đến -18 độ C. Cần lưu ý làm sạch thực phẩm, rửa và để ráo trước khi cho vào tủ lạnh. Không đột ngột chuyển thực phẩm từ ngăn đá xuống ngăn lạnh trừ trường hợp có nhu cầu sử dụng.

Hình ảnh minh họa các cách bảo quản thực phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe (Đồ họa: Nguyễn Quyền)

Không để quá nhiều đồ vào tủ lạnh, tủ đông

Để hạn chế tình trạng các vi khuẩn có hại xâm nhập, lây lan vào thực phẩm trong môi trường tủ lạnh, tủ đông, nên sắp xếp, phân loại thực phẩm theo nhu cầu sử dụng, tránh tình trạng chèn ép thực phẩm, gây cản trở đến sự lưu thông khí trong tủ lạnh.

Không để thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh

Về nguyên tắc, thực phẩm có thể để được từ 18 tháng đến một năm nếu được cấp đông với nhiệt độ phù hợp. Tuy nhiên, theo lời khuyên từ các bác sĩ dinh dưỡng, lưu trữ thực phẩm quá lâu sẽ khiến các enzyme trong thực phẩm tự phân hủy và chuyển hóa, làm mất đi chất dinh dưỡng, các chất béo hòa tan. Vì vậy, cần lưu ý về thời lượng bảo quản, đối với thịt là từ 7 - 10 ngày, đối với cá, nên sử dụng trong vòng 3 ngày để đảm bảo độ tươi ngon.

Không để thực phẩm tươi sống chung với đồ ăn chín

2 trong số 10 nguyên tắc vàng được Bộ Y tế khuyến cáo là phải che đậy thức ăn sau khi nấu chín, không nên để lẫn lộn giữa thực phẩm chín với thực phẩm sống. Đối với các thực phẩm tươi sống, nên bọc kín và giữ ở ngăn dưới thấp của tủ lạnh. Riêng các đồ ăn đã nấu chín, rau quả thì nên đặt ở những ngăn cao, để phòng vi khuẩn sẽ lây nhiễm từ trên xuống.

Đồ ăn chín nên hâm nóng trước khi dùng

Theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), đối với thời tiết nóng, không nên để thức ăn chín ở nhiệt độ phòng hơn 2 tiếng. Để đảm bảo an toàn, thực phẩm cần được hâm nóng lại sau khi lấy thức ăn chín từ tủ lạnh, đun sôi ít nhất từ 75 độ C trước khi sử dụng. Việc làm này có tác dụng làm hạn chế độc tố gây hại, cụ thể là clostridium botulinum. Ở nhiệt độ 100 độ C, độc tố botulinum sẽ bị biến tính và giảm khả năng gây độc, đun đến 10 phút thì độc tố có thể hoàn toàn biến mất.

Tuy nhiên, cần lưu ý tuyệt đối không nên sử dụng những thức ăn đã có mùi ôi thiu, hoặc màu sắc đã bị biến đổi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn